Theo Giám đốc Sở Tài chính Hưng Yên Nguyễn Đức Tải, trong 6 tháng đầu năm nay, mức thu ngân sách từ khu vực sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp nhà nước địa phương đạt trên 70%, khu vực FDI đạt trên 74%, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 193% so với dự toán, tăng 210% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn thu ngân sách nhà nước tăng nhanh, tỉnh Hưng Yên đã điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn lên mức hơn 54.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn một số khoản thu đạt thấp như: thuế bảo vệ môi trường giảm do thực hiện theo Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn có hiệu lực từ ngày 1/1/2023; thị trường bất động sản giảm nhiệt đã tác động làm giảm số thu tiền sử dụng đất...
Năm 2023, Hưng Yên phấn đấu thu ngân sách đạt trên 22.900 tỷ đồng; trong đó thu nội địa hơn 18.200 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 4.700 tỷ đồng. Tỉnh tiếp tục được giao tự bảo đảm cân đối thu, chi ngân sách có điều tiết về Trung ương.
Trong bối cảnh khó khăn của tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, lãi vay, tỷ lệ ngoại tệ cao, giá vật liệu tăng ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, tỉnh Hưng Yên đã giao ngành thuế tiếp tục duy trì, khai thác nguồn thu, chống thất thu, phấn đấu thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách. Đặc biệt chú ý các lĩnh vực nhạy cảm, có rủi ro cao về thuế như: môi trường, đất đai, kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng bán lẻ ít lấy hóa đơn.
Ngành thuế đã quản lý nguồn thu theo từng sắc thuế, từng người nộp thuế, bám sát địa bàn và nắm chắc tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế; thu hồi nợ đọng thuế...
Ông Nguyễn Đức Sơn, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hưng Yên cho biết, các cơ quan thuế trên địa bàn đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hệ thống phần mềm quản lý thuế; đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế kê khai, nộp thuế kịp thời theo quy định.
Cùng đó, ngành thuế còn tăng cường quản lý và hỗ trợ người nộp thuế trong việc sử dụng hóa đơn điện tử; xây dựng kế hoạch, phương án và chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên địa bàn. Qua đó, góp phần tạo sự minh bạch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chống gian lận, thất thu thuế.
Ngành thuế cũng thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động của doanh nghiệp, xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu, nhằm đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả để tăng cường quản lý thu. Đồng thời, ngành thuế phối hợp với cơ quan công an, quản lý thị trường để soát chặt chẽ giá cả hàng hóa, hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, góp phần chống thất thu ngân sách.
Ngoài ra, ngành thuế chủ động đôn đốc nộp kịp thời vào ngân sách đối với các khoản tăng thu qua thanh tra, kiểm tra và khoản truy thu theo kiến nghị của cơ quan kiểm toán và thanh tra; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp quản lý nợ, thu hồi nợ đọng thuế theo quy định.