CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco - Mã: HAX) là nhà phân phối Mercedes-Benz chính hãng đầu tiên tại Việt Nam và là một trong bốn nhà phân phối Mercedes-Benz trong nước. Hết năm 2022, Haxaco chiếm gần 38% thị phần.
Năm 2022 là một năm bùng nổ của ngành bán lẻ ô tô. Sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thị trường tiêu thụ ô tô đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Bên cạnh chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước, việc thiếu chip toàn cầu của ngành ô tô nói chung đã làm hạn chế nguồn cung, điều này đã góp phần làm tăng doanh thu và lợi nhuận của Haxaco.
Tuy nhiên, sang 9 tháng đầu năm 2023, Haxaco cho biết trong bối cảnh người tiêu dùng "thắt lưng buộc bụng", nhu cầu xe sang thấp do người dân có xu hướng chờ đợi những tín hiệu tích cực của nền kinh tế khiến doanh số bán xe suy giảm so với cùng kỳ.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III, Haxaco ghi nhận 1.115 tỷ doanh thu thuần, giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi gộp giảm gần 45% còn 65 tỷ, biên lãi gộp là 5,8%, giảm nhẹ so với mức 5,9% cùng kỳ.
Trong khi các chi phí không suy giảm khiến lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ còn hơn 8,3 tỷ, bằng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù doanh thu và lợi nhuận quý III giảm sâu so với cùng kỳ nhưng đã có cải thiện hơn so với hai quý trước đó.
Luỹ kế 9 tháng năm nay, Haxaco đạt 2.905 tỷ doanh thu thuần, gần 13 tỷ lãi ròng; giảm lần lượt 44% và 93% so với 9 tháng đầu 2022. Trong đó, doanh thu bán xe là 2.510 tỷ, giảm 48% so với cùng kỳ.
Trong báo cáo về ngành ô tô giữa tháng 9, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng lãi suất cho vay thấp là yếu tố quan trọng nhất bên cạnh việc tăng thu nhập, ảnh hưởng đến quyết định mua xe Mercedes. Do đó, VDSC kỳ vọng lãi suất cho vay giảm sẽ khuyến khích nhu cầu mua ô tô Mercedes-Benz trong giai đoạn cuối năm 2023 và năm 2024.
Về tình hình tài chính, cuối quý III, quy mô tài sản của Haxaco là 1.840 tỷ, giảm gần 29% so với đầu năm do giảm mạnh chỉ tiêu hàng tồn kho. So với cuối quý II, tài sản của doanh nghiệp đã tăng gần 14%.
Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản là hàng tồn kho ghi nhận 583 tỷ tại ngày 30/9, tăng 44% sau một quý song giảm 45% so với đầu năm.
VDSC cho biết do ô tô là hàng hóa có xu hướng mất giá nhanh theo thời gian (thông thường, ô tô mới sẽ bị mất 20% giá trị trong năm đầu tiên, sau đó giảm tiếp 10% mỗi năm trong 4 năm tiếp theo), các nhà phân phối ô tô phải tối ưu hóa lượng ô tô tồn kho trong môi trường nhu cầu yếu.
Cắt giảm hàng tồn kho, doanh nghiệp cũng đồng thời giảm dư nợ vay xuống 520 tỷ cuối quý III, giảm 55% so với đầu năm song tăng 72% so với cuối quý II khi doanh nghiệp cũng tăng lượng tồn kho trở lại.
Khoản tiền mặt cuối kỳ là 53 tỷ, giảm 12 tỷ sau một quý và giảm 67% so với đầu năm.