Tại hội thảo khoa học "Cơ chế, chính sách cho vấn đề nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM theo quan điểm liên kết vùng” được Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức sáng nay (2/12), các chuyên gia đưa ra nhiều quan điểm về vai trò chủ đạo của nhà nước trong phát triển nhà ở xã hội (NOXH). Đồng thời nêu ra các cơ hội phát triển loại hình nhà ở này tại các đô thi lân cận và những vùng ven TP.HCM, khi các tuyến đường giao thông lớn như Vành đai 3 và 4 hình thành trong tương lai.
NOXH phải nằm trong tay Nhà nước
PGS.TS Trần Văn Khải, Giảng viên trường Đại học quốc tế Hồng Bàng cho biết, ở châu Âu, vốn đầu tư NOXH chủ yếu từ ngân sách Nhà nước, cùng ngân sách của các đơn vị phi lợi nhuận. Vốn cho vay có thể có thời hạn dù với lãi suất rất thấp. Nhiều nước đã hình thành cơ quan nhà nước chuyên trách để hỗ trợ hoạt động của các tổ chức phát triển NOXH về tài chính, chính sách, công nghệ. Ngoài ra, một số nước cũng có xu hướng muốn chuyển sở hữu NOXH từ Nhà nước về các tổ chức phi lợi nhuận vì có tính linh hoạt hơn.
Tại Việt Nam, giai đoạn 1960 - 1990 là thời kỳ bao cấp, ở Hà Nội đã phát triển một dạng NOXH gọi là “nhà tập thể”, phân phối cho đối tượng có đủ tiêu chuẩn sử dụng, đóng tiền thuê nhà. Các khu tập thể lớn được xây với quy mô từ 3 – 15 ha, có dãy nhà từ 1 – 3 tầng. Hiện nay, Nhà nước dường như đã không còn đóng vai trò trung tâm trong đầu tư và xây dựng NOXH như trong thời bao cấp hay như các nước có có nền kinh tế thị trường phát triển cao.
Theo PGS.TS Trần Văn Khải, Nhà nước phải có vai trò chủ đạo, NOXH cần được đầu tư công. “Nhà nước phải có quỹ nhà trong tay để điều tiết tình hình nhà ở. Do đó, NOXH phải nằm trong tay Nhà nước và Nhà nước chỉ cho thuê, không bán. Khi cần do tình hình thay đổi, Nhà nước có thể biến khu NOXH thành nhà ở thương mại bằng những biện pháp thiết kế linh hoạt”, theo PGS.TS Trần Văn Khải.
Liên kết vùng trong phát triển NOXH
Theo KTS Thái Linh - Chuyên gia thuộc Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam, các đô thị lân cận TP.HCM thường phát triển hệ thống chính sách riêng về lĩnh vực nhà ở. Tuy nhiên hiện nay đang thực hiện quy hoạch vùng, nên các địa phương bắt đầu manh nha ý tưởng liên kết các chính sách với nhau để những vùng ven, vùng giao thoa giữa các địa phương sẽ tạo thành khu vực cùng phát triển.
KTS Thái Linh cho biết, khi thực hiện dự án, các chủ đầu tư tư nhân rất có ý thức đi khảo sát thị trường về các loại hình sản phẩm nhà ở. Tuy nhiên, Nhà nước lại chưa quan tâm đến việc này, dẫn tới các chính sách về tỷ lệ phát triển, kế hoạch phát triển, mô hình nhà ở vẫn chưa đi theo sát được thực tế. Ngoài ra, việc phát triển nhà ở những vùng giao thoa giữa các địa phương nên gắn với hệ thống giao thông liên vùng.
“Khá nhiều nhà đầu tư đề xuất những dự án gắn với nút giao thông của Vành đai 3, Vành đai 4, với nút giao giữa những đường giao thông huyết mạnh, hay với hệ thống đường sắt nội đô và đường sắt liên vùng. Đi theo hệ thống như vậy NOXH sẽ được gắn với các tiện ích rất tốt”, KTS. Thái Linh đưa khuyến cáo.
Theo tính toán của nhóm tác giả Trung tâm mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội, thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, đến năm 2030, nhu cầu về NOXH của TP.HCM sẽ đạt gần 58.000 căn hộ. Thời điểm đó, các dự án đường Vành đai 3, 4 kết nối giữa TP.HCM và các tỉnh miền Đông và miền Tây sẽ thúc đẩy các dự án NOXH phát triển tại các tỉnh trong vùng. Vấn đề về khoảng cách di chuyển giữa các tỉnh và TP.HCM sẽ được thu hẹp.
Bà Nguyễn Anh Đào - thành viên nhóm tác giả cho biết, yếu tố liên kết vùng sẽ được đặt vào vị thế quan trọng, trong việc giải quyết nhu cầu về NOXH cho người dân đang làm việc tại TP.HCM thời gian tới đây. Đề xuất về giải pháp, bà Đào cho rằng, TP.HCM và các tỉnh trong vùng cần phối hợp để có những chính sách thu hút đầu tư vào NOXH. Vì khi lựa chọn nhà ở, người dân quan tâm về giá và khoảng cách từ nhà di chuyển đến chỗ làm. Nếu giải quyết được bài toán về mặt thời gian di chuyển, việc phát triển NOXH ra các tỉnh lân cận sẽ là xu hướng tất yếu trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia, việc thu hút đầu tư NOXH vào các tỉnh trong vùng cũng giúp các địa phương này phát triển kinh tế - xã hội. Điều này sẽ hỗ trợ qua lại cho TP.HCM, vì khi các địa phương lân cận phát triển sẽ có sự hỗ trợ không nhỏ trong phát triển chung của cả vùng, bao gồm cả việc giải quyết bài toán về nhà ở./.