Kỹ năng sống

Dấu hiệu cảnh báo ung thư hạ họng tránh nhầm với bệnh lý lành tính

Nam bệnh nhân 51 tuổi (Thanh Sơn – Phú Thọ) tới bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng nuốt vướng, khó thở. Kết quả khám bệnh cho thấy bệnh nhân mắc cùng lúc 2 căn bệnh ung thư hạ họng giai đoạn 3, ung thư thực quản giai đoạn 2 chưa di căn xa.

Được biết vào tháng 5, cổ trái của nam bệnh nhân xuất hiện những khối to dần lên. Người bệnh có dấu hiệu vướng họng, nuốt vướng, thỉnh thoảng nuốt đau và khạc ra máu. Ban đầu dấu hiệu vướng họng chỉ rất nhẹ nên người bệnh chủ quan, về sau ngày càng khó chịu, nuốt vướng, kèm theo khó thở tăng dần nên người bệnh đã tới khám tại một số bệnh viện nhưng không phát hiện ra bệnh.

Tới tháng 6, nam bệnh nhân tới khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ và được chẩn đoán mắc ung thư. Điều đáng chú ý là nam bệnh nhân này có tiền sử hút thuốc lào 30 năm.

Khi có chẩn đoán xác định, người bệnh đã được các chuyên gia của Trung tâm Ung bướu hội chẩn và thống nhất phác đồ điều trị hóa trị và xạ trị đồng thời, có chỉ định mở khí quản, thở qua canyul (do khối u chèn ép gây khó thở).

Sau thời gian điều trị 1 tháng, người bệnh đáp ứng rất tốt với điều trị. Người bệnh nuốt được, không còn khó thở, hạch cổ và u nhỏ đi nhiều. Hiện tại, người bệnh vẫn đang được điều trị để hoàn thành phác đồ.

Dấu hiệu cảnh báo ung thư hạ họng tránh nhầm với bệnh lý lành tính - Ảnh 1.

Nam bệnh nhân 51 tuổi

Tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cũng đã cấp cứu thành công cho trường hợp nam bệnh nhân 74 tuổi tại Hà Nội nhập viện trong tình trạng khó thở đột ngột từng cơn, sức khỏe suy kiệt do không ăn uống được.

Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư hạ họng giai đoạn muộn đã di căn hạch.

Hình ảnh chụp cắt lớp cho thấy, khối u lớn hạ họng có kích thước lên đến 7cm, thâm nhiễm lân cận gây hẹp đường thở. Ngoài ra, còn có nhiều hạch vùng cổ phải lân cận đường kính 6,5cm thâm nhiễn mỡ quanh hạch, phá hủy tổ chức xung quanh.

TS.BS Đàm Trọng Nghĩa – Trưởng Khoa Ngoại Đầu cổ - Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội cho biết, bệnh nhân ung thư hạ họng thường gặp tình trạng khó thở tăng dần, nhưng trường hợp này khá đặc biệt, bệnh nhân khó thở từng cơn rồi lại hết nên sinh tâm lý chủ quan. Dù được chẩn đoán ung thư trước đó nhưng bệnh nhân không điều trị, tới khi khó thở nặng bệnh nhân mới quay trở lại bệnh viện cấp cứu.

Ung thư hạ họng là khối u ác tính xuất phát từ biểu mô bao phủ hạ họng, chiếm 5 – 6% ung thư nói chung và đứng thứ 2 sau ung thư vòm họng trong các bệnh ung thư ở vùng đầu cổ. Bệnh lý này thường gặp ở độ tuổi 40 – 60 với tỉ lệ nam/nữ là 5/1.

Một số dấu hiệu ung thư hạ họng như: Khó nuốt và nuốt bị vướng; Đau khi nuốt, cơn đau ngày càng kéo dài và trở nên nặng nề, đau có thể lan đến tai; Vùng cổ bị nổi hạch, hạch ngày càng to, cứng và cố định một chỗ; Khối u xâm lấn vào dây thần kinh, thanh quản khiến cho bệnh nhân bị khó thở, khàn tiếng, ăn uống khó khăn và nhanh sụt cân.

Theo các chuyên gia, ung thư hạ họng thường gặp ở người hút thuốc lá nhiều, đặc biệt là nghiện thuốc lá: các nghiên cứu đã chỉ ra rằng số năm hút thuốc lá càng cao thì tỷ lệ mắc cũng cao. Người lạm dụng rượu nhiều cũng có nguy cơ cao mắc bệnh. Do uống rượu nhiều sẽ gây ra kích thích ở niêm mạc họng, thanh quản. Khi họng, thanh quản bị viêm nhiễm kéo dài có thể dẫn đến ung thư.

Một số nguyên nhân gây ung thư hạ họng các có thể kể tới như: Vệ sinh răng miệng kém; Nhiễm virus HPV; Môi trường ô nhiễm…

Để phòng ngừa ung thư hạ họng, mỗi người cần xây dựng lối sống lành mạnh, hạn chế các yếu tố nguy cơ như bia rượu, thuốc lá,… Cùng với đó nên kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm. Đặc biệt, khi có các dấu hiệu nuốt vướng, nuốt đau, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để thăm khám và tầm soát bệnh lý.

Giảm nguy cơ mắc ung thư hạ họng bằng cách:

- Bỏ rượu và thuốc lá bởi đây được xem là nguy cơ chính gây bệnh.

- Khi tham gia lao động, sản xuất, đặc biệt trong các môi trường khói bụi, hóa chất độc hại, cần chấp hành tốt việc mặc quần áo và các phương tiện bảo hộ.

- Cần chữa trị dứt điểm nếu mắc các bệnh về hô hấp hoặc bị trào ngược dạ dày thực quản.

- Đảm bảo vệ sinh răng miệng sạch sẽ.

- Tiêm vắc xin ngừa virus HPV và quan hệ tình dục an toàn.

- Đảm bảo dinh dưỡng cân đối, đầy đủ và hợp lý, tăng cường thể dục thể thao, nghỉ ngơi hợp lý.

- Khi có các dấu hiệu nghi ngờ, đặc biệt là khó thở, khó nuốt, cần nhanh chóng đi khám để kịp thời phát hiện những bất thường.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm