Khi tìm kiếm với từ khóa "Nờ Ô Nô" trên TikTok hôm 2/12, nền tảng này trả về hàng trăm tài khoản có cùng tên. Nhiều tài khoản sử dụng đường link và ảnh đại diện gần giống tài khoản ban đầu, sau đó đăng lại các nội dung từ kênh Nờ Ô Nô đã bị xoá trước đó.
Bên cạnh những tài khoản mạo danh, các chuyên gia nhận định trong số này cũng có cả trang và video do chủ kênh Phạm Đức Tuấn lập mới. Ví dụ, một kênh Nờ Ô Nô với 63.000 lượt theo dõi đã đăng 11 video kể từ 29/11, một ngày sau khi kênh gốc bị xóa. Kênh này thu hút 209.000 lượt thích sau bốn ngày, trong đó có một số video đạt hơn một triệu lượt xem.
"Đây là kênh phụ của Tuấn. Mọi người có thể follow kênh cho đủ một nghìn người để Tuấn có thể livestream", hình ảnh Tuấn nói trong video đầu tiên được đăng.
TikTok hiển thị kênh này sở hữu "âm thanh gốc", cho thấy đây là nội dung do chính chủ đăng tải, không phải tài khoản ảo. Kênh trên cũng đăng một số video khác được lấy lại từ kênh cũ, thu hút từ vài trăm nghìn đến hơn 1,2 triệu lượt xem sau ít ngày.
"Việc các video tăng hàng trăm nghìn lượt xem mỗi ngày cho thấy nó đã được TikTok đưa lên xu hướng", Lê Công Minh Khôi, một TikToker có nhiều năm làm nội dung trên mạng xã hội, đánh giá. Theo anh, dù khẳng định đã cấm vĩnh viễn tài khoản Nờ Ô Nô, Tiktok vẫn chưa giải quyết dứt điểm các nội dung lấy từ kênh cũ này, thậm chí dung túng cho các nội dung đó để tiếp tục thu hút người quan tâm.
Điều này khiến hàng loạt tài khoản ăn theo Nờ Ô Nô xuất hiện trong ít ngày qua. Ví dụ chiều 2/12, một tài khoản tự nhận là Nờ Ô Nô đã đăng lại những hình ảnh cắt ghép trong video đã bị xoá và thực hiện livestream, thu hút gần 1.000 người xem cùng lúc. Một số video trên kênh này đạt từ 6 triệu đến 8 triệu lượt xem với hàng trăm nghìn lượt "thích".
TikTok không phản hồi về các đánh giá trên. Trong thông báo sau khi khoá vĩnh viễn tài khoản Nờ Ô Nô hôm 28/11, nền tảng này khẳng định "không khoan nhượng trước bất kì nội dung hay hành vi nào vi phạm Tiêu chuẩn Cộng đồng".
Cơ quan quản lý cũng đánh giá TikTok chậm trễ trong việc xử lý nội dung vi phạm từ kênh Nờ Ô Nô. Tại hội thảo quảng cáo trực tuyến hôm 30/11, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, đánh giá các nền tảng còn rất dễ dãi cho kiếm tiền qua quảng cáo trên nền tảng của mình mà không coi nội dung có phù hợp với quy định pháp luật hay phản cảm hay không.
"Trong vụ Nờ Ô Nô, chỉ khi cơ quan quản lý yêu cầu rất mạnh mẽ, TikTok mới xử lý", ông Do nói, đồng thời đề nghị nền tảng này xử lý các tài khoản nhái, tài khoản ăn theo người này. Tuy nhiên đến nay, các tài khoản trên vẫn tồn tại.
Nờ Ô Nô là kênh TikTok từng có hơn 600.000 lượt theo dõi. Kênh này vấp phải làn sóng tẩy chay của cộng đồng mạng khi đăng các video sử dụng từ ngữ mang tính miệt thị, chê bai người nghèo. Ngày 29/11, chủ kênh Phạm Đức Tuấn đã bị phạt 7,5 triệu đồng và bị TikTok khóa tài khoản vĩnh viễn.