Một nghìn triệu tấn kim cương có thể nằm ở ranh giới của lõi Trái đất - Ảnh: NEWS ALL PERSONAL LOAN
Theo bài báo của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học bang Arizona, Mỹ công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters, họ đã phát hiện ra carbon trong lõi của hợp kim sắt lỏng có thể tạo thành kim cương.
Giáo sư Dan Shim, đồng tác giả của bài báo, cho biết: "Dạng ổn định của carbon ở điều kiện áp suất, nhiệt độ của ranh giới giữa lõi và lớp phủ của Trái đất là kim cương".
Phát hiện mới trong lõi trái đất được Đại học bang Arizona mệnh danh là "nhà máy kim cương", tờ Newsweek cho hay.
Bên trong Trái đất được chia thành nhiều lớp, tất cả đều được cấu tạo từ các thành phần và trạng thái khác nhau của vật chất.
Bên dưới lớp vỏ đá mỏng là lớp phủ, đó là một lớp đá nóng chảy chuyển động chậm, chiếm 84% tổng thể tích của hành tinh, và có nhiệt độ từ 1.000 độ C đến 3.700 độ C, theo trang National Geographic.
Xa hơn nữa là lõi bên ngoài và bên trong của Trái đất: Lõi bên ngoài là sắt lỏng và niken, cùng một số các nguyên tố khác, và ở khoảng 4.982 độ C. Trong khi lõi bên trong chủ yếu được làm bằng sắt rắn, do áp suất mạnh, và nóng ngang với bề mặt của Mặt trời.
Các nhà nghiên cứu đã đo cách carbon trong lõi bên ngoài thoát ra khỏi hợp kim sắt lỏng, phản ứng với nước và tạo thành kim cương.
"Nhiệt độ tại ranh giới giữa lớp phủ silicat và lõi kim loại ở độ sâu khoảng 2.900km, đạt tới khoảng 3.870 độ C, đủ cao để hầu hết các khoáng chất mất đi H2O", ông Shim nói. "Vì vậy, khi carbon thoát ra khỏi chất lỏng ở lõi bên ngoài sẽ trở thành kim cương khi nó đi vào lớp phủ".
Kim cương được làm hoàn toàn từ các nguyên tử carbon bởi sự sắp xếp độc đáo của các liên kết hóa học. Chúng có thể được tìm thấy trong lớp vỏ trên khắp hành tinh, nhưng cực kỳ hiếm và do đó đắt tiền.
Kim cương được vận chuyển từ nguồn gốc của chúng trong lớp phủ đến bề mặt Trái đất, thông qua các vụ phun trào núi lửa.
Là chất cứng nhất được biết đến, kim cương được sử dụng trong công nghiệp để cắt và mài mòn, cũng như là một loại đá quý trang sức mang tính biểu tượng.