Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội về kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.
Thông báo nêu rõ thời gian từ nay đến khi kết thúc niên độ ngân sách năm 2022 không còn nhiều, UBND TP Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tập trung hoàn thành các công trình, bảo đảm về thủ tục pháp lý, hiệu quả, chất lượng.
Hồ sơ thanh toán phải được lập ngay khi có khối lượng, đáp ứng đầy đủ các trình tự, thủ tục, hồ sơ quy định. Bên cạnh đó, cần cân đối, khẩn trương phân bổ hết số vốn được giao, tránh tình trạng đã giải ngân nhưng không có khối lượng, không có công trình nào hoàn thành.
Hà Nội cũng được yêu cầu hạn chế dàn trải vốn đầu tư, xác định rõ dự án ưu tiên, kiên quyết tập trung nguồn lực cho các công trình trọng điểm có khả năng hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng (không vướng giải phóng mặt bằng và thủ tục)
Đồng thời, từ nay đến cuối năm phải hoàn thành được một số công trình, phấn đấu đến ngày 31/12/2022, giải ngân đạt trên 90%.
Chính phủ cũng yêu cầu Hà Nội rà soát những dự án đã ghi vốn trong năm 2022 nhưng chưa phê duyệt dự án, chưa đấu thầu để điều chuyển, phân bổ vốn cho những dự án có khả năng hoàn thành từ nay đến ngày 31/12 hoặc cho những dự án có khả năng đẩy nhanh tốc độ giải ngân.
Những dự án đang gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng, giao các tổ công tác xuống làm việc với địa phương, phối hợp chặt chẽ cùng địa phương giải phóng mặt bằng sớm để triển khai thực hiện dự án.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải theo chức năng, nhiệm vụ chủ động rà soát, kịp thời có phương án xử lý phù hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định pháp luật (đầu tư công, ngân sách nhà nước, xây dựng, đất đai, tài nguyên), tạo thuận lợi đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của TP Hà Nội.
8 tháng đầu năm 2022, giải ngân vốn đầu tư công của Hà Nội đạt khoảng 30% (khoảng 15.323 tỷ đồng). Kết quả này thấp hơn bình quân chung của cả nước (35,49%).
Nguyên nhân chính ảnh hưởng đến công tác giải ngân phải kể đến vấn đề chất lượng của công tác chuẩn bị dự án chưa kỹ nên giao vốn gặp vướng mắc hoặc không giải ngân được theo kế hoạch; nguồn vốn ODA giải ngân thấp do một số thủ tục gia hạn vốn vay, điều chỉnh hợp đồng và vận dụng pháp luật áp dụng đối với dự án ODA còn chậm.
Ngoài ra nguyên nhân còn từ vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư; giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước, phí vận chuyển hàng hóa tăng cao, công tác tổ chức thực hiện đầu tư các dự án, công trình còn nhiều hạn chế.