Gạo có thể dễ dàng chế biến, được điều chỉnh để bổ sung hương vị, giúp món ăn thêm ngon miệng. Thêm vào đó, có rất nhiều giống để lựa chọn. Theo Food & Wine báo cáo, gạo có thể chiếm 1/5 tổng lượng calo tiêu thụ trên toàn cầu.
Trong đó, người Việt thường quen với gạo trắng, là loại đã qua tinh chế, được xay xát để loại bỏ lớp vỏ, lớp cám và mầm bên ngoài. Tuy vậy, không ít người thường định nghĩa loại gạo này là một loại “carb xấu” hoặc nguồn cung cấp calo rỗng. Đặc biệt, khi so với một “người anh em khác” trong họ ngũ cốc là gạo lứt, gạo trắng thường bị đánh giá là ít dinh dưỡng hơn.
Thực tế, có nhất thiết phải thay thế gạo trắng bằng gạo lứt hay không? Lauren Manaker, tác giả nghiên cứu về dinh dưỡng, đã chia sẻ với ETNT về những tác động mà gạo trắng thực sự đem tới cho cơ thể nếu sử dụng thường xuyên.
3 tác động tích cực không thể ngờ từ gạo trắng
1. Bạn có thể đạt được nhiều năng lượng hơn
Ảnh minh họa. Nguồn: Shutterstock
Manaker nói: “Gạo trắng là một nguồn cung cấp carbohydrate, tạo ra nhiên liệu chính cho cơ thể của bạn. Thêm vào đó, nhiều loại gạo trắng được tăng cường vitamin B có thể giúp hỗ trợ tăng mức năng lượng."
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nutrients, tất cả các vitamin B, ngoại trừ folate, đều tham gia vào ít nhất một bước trong hệ thống sản xuất năng lượng trong tế bào. Điều quan trọng là nếu muốn gia tăng nguồn năng lượng, phải có một liều lượng nhất định của mỗi loại vitamin B. Nếu nạp quá ít sẽ hạn chế sản xuất năng lượng của cơ thể, có thể dẫn tới tác động tiêu cực đến quá trình trao đổi chất và sức khỏe nói chung của bạn.
2. Bạn có thể có xương chắc khỏe hơn
Ảnh minh họa. Nguồn: Shutterstock
Hóa ra rằng tiêu thụ gạo trắng có thể dẫn tới thay đổi tích cực cho sức khỏe của hệ thống xương trong cơ thể. Manaker nói: “Chúng ta đều biết rằng canxi và vitamin D là những chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe của xương. Nhưng một dưỡng chất khác được coi như ‘anh hùng thầm lặng’ để bảo vệ xương chắc khỏe chính là mangan, được tìm thấy khá nhiều trong gạo trắng."
3. Cải thiện sức khỏe ruột kết
Cơm gạo trắng chứa hàm lượng tinh bột kháng cao hơn khi được nấu chín và để nguội. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tinh bột kháng trong cơm gạo trắng có thể tạo thành các axit béo cụ thể giúp ruột kết khỏe mạnh. Các axit béo này cũng có thể làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng.
2 điểm cần lưu ý khi ăn gạo trắng thường xuyên
1. Bạn có thể ăn phải thạch tín.
Cần tránh tiêu thụ quá nhiều thực phẩm có chứa asen. (Ảnh minh họa. Nguồn: Shutterstock)
Theo Manaker, asen - hay còn gọi là thạch tín - là một nguyên tố vi lượng. Nếu vô tình nạp vào cơ thể thường xuyên và với số lượng lớn có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh, suy giảm sức khỏe.
Bà nói: “Theo thống kê, trong một số loại gạo ở Mỹ đã phát hiện ra Asen. Vì vậy khi bạn tiêu thụ loại ngũ cốc này, bạn cũng đưa chất độc này vào người một cách vô tình.”
Mặc dù gạo trắng có hàm lượng asen không cao, nhưng chuyên gia khuyến cáo vẫn nên cân nhắc kỹ càng về vấn đề an toàn dinh dưỡng. Điều quan trọng vẫn là tránh tiêu thụ quá nhiều thực phẩm có chứa asen.
2. Bạn có thể dễ mắc hội chứng chuyển hóa hơn
Những người tiêu thụ nhiều gạo trắng nhất có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa cao hơn 30% (Ảnh minh họa. Nguồn: Shutterstock)
Manaker cho biết: “Một số nghiên cứu hiện nay đã cho thấy mối liên hệ giữa việc tiêu thụ gạo trắng và nguy cơ mắc phải hội chứng chuyển hóa. Tuy nhiên, vẫn cần thêm thời gian để chứng minh, xác thực điều này.”
Hội chứng chuyển hóa là tập hợp các yếu tố gây ra những nguy cơ bệnh lý tim mạch, bệnh đái tháo đường trong tương lai ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người mắc bệnh. Ngày nay hội chứng chuyển hóa có xu hướng gia tăng do chế độ ăn uống và sinh hoạt. Các dấu hiệu dễ nhận ra bao gồm lượng đường trong máu cao, bụng to và nhiều mỡ, huyết áp tăng và mức cholesterol hoặc chất béo trung tính bất thường.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Heart Asia cho rằng, những người tiêu thụ nhiều gạo trắng nhất có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa cao hơn 30%. Mặc dù không nghiêm trọng nhưng nó vẫn có thể gây ra những tác hại tiêu cực đáng kể cho sức khỏe của mỗi người.
Vì vậy, nếu bạn có nguy cơ mắc bất kỳ tình trạng nào trong số này, hãy cân nhắc và điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng của bản thân, lựa chọn các loại thực phẩm phù hợp sức khỏe của cơ thể.