Hàn Quốc loay hoay quy định số giờ làm việc hàng tuần
Hàn Quốc hiện đang thực hiện tuần làm việc 52 giờ, cho phép người lao động làm việc thường xuyên trong 40 giờ cộng với 12 giờ làm thêm. Các công ty phải đối mặt với hình phạt nếu thời gian làm thêm vượt quá số giờ tối đa. Quy định này được đưa ra từ năm 2018.
Tuy nhiên đề xuất mới của chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol muốn nâng thời gian làm việc tối đa hàng tuần lên 69 giờ. Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc lưu ý người lao động sẽ được nghỉ phép dài hơn để đổi lấy việc làm thêm giờ.
Bộ Lao động cũng đề xuất thời gian nghỉ ngơi tối thiểu 11 giờ giữa các ca làm việc.
Kế hoạch tăng giờ làm việc bị người dân Hàn Quốc phản đối - Ảnh: New York Times
Lập luận tăng giờ làm trong tuần của chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol là người lao động vẫn có thể có nhiều thời gian rảnh hơn vì sẽ có quy định cụ thể về số giờ làm việc mỗi tháng, mỗi quý hoặc mỗi năm.
Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ hạn chế làm việc hơn 60 giờ mỗi tuần trong 3 tuần liên tiếp. Người lao động sẽ được chọn khi nào làm việc và làm trong bao lâu.
Tuy nhiên, kế hoạch này đã nhận về rất nhiều phản đối từ người dân.
Ngày 19/3, Viện Sức khỏe và Xã hội Hàn Quốc (KIHASA) công bố kết quả khảo sát về cân bằng giữa công việc và cuộc sống, sau khi phỏng vấn 22.000 người ở độ tuổi 19-59 trong khoảng thời gian 20/9 đến 7/10/2022. Kết quả cho thấy những người được hỏi muốn làm việc trung bình 36,7 giờ/tuần. Cụ thể, nhân viên chính thức muốn làm việc 37,63 giờ/tuần, nhân viên tạm thời và làm theo ngày muốn 32,36 giờ/tuần, theo Korea Times.
Người càng trẻ tuổi càng muốn dành ít thời gian cho công việc. Những người trong độ tuổi 19-29 muốn làm việc 34,92 giờ/tuần; những người độ tuổi 30 là 36,32 giờ. Mặt khác, người ở độ tuổi 40 và 50 lần lượt muốn làm việc 37,11 và 37,91 giờ/tuần.
Những người chỉ trích nói đề xuất này không tính thời gian đi làm, email sau giờ làm việc và các tin nhắn liên quan công việc.
Bên cạnh đó, người lao động phản đối mạnh mẽ đề xuất này vì lo ngại nó sẽ tạo cơ sở pháp lý cho người sử dụng lao động khuyến khích họ làm nhiều thêm trong những giai đoạn cao điểm.
"Họ nói rằng tổng số giờ chúng tôi làm việc hằng năm sẽ giữ nguyên hoặc giảm xuống", một công nhân 34 tuổi tại Samsung cho biết. "Nhưng luôn có nhiều việc để làm. Chúng ta có thể thấy nhiều vụ tử vong liên quan đến làm việc quá sức nếu một tuần làm tới 69 giờ".
Một số người khác thì cho rằng việc quyết định tăng giờ làm là vô nghĩa vì trên thực tế họ đang phải làm như thế rồi. "Làm việc đến 9 hoặc 10h tối là bình thường với tôi", một nhân viên tại LG cho biết.
"Thực tế tôi làm việc nhiều hơn quy định 52 giờ. Vì vậy, khi tôi thấy báo chí đưa tin đề xuất làm việc 69 giờ/tuần, tôi không hiểu nổi. Dù sao thì tôi cũng đang làm việc nhiều như vậy", người này nói thêm.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), người lao động ở cường quốc kinh tế Đông Á này đang phải trải qua số giờ làm việc trong tuần được xem là dài nhất trên thế giới– xếp thứ 4 sau Mexico, Costa Rica và Chile vào năm 2021. Và tình trạng tử vong do làm việc quá sức – được biết đến là gwarosa – có thể đã ghi nhận số lượng gia tăng hàng năm.
Người lao động Hàn Quốc đang phải trải qua số giờ làm việc trong tuần được xem là dài nhất trên thế giới
Theo dữ liệu của chính phủ Hàn Quốc, vào năm 2017, một năm trước khi chính phủ giảm giới hạn giờ làm việc, hàng trăm người lao động nước này đã tử vong vì làm việc quá sức. Ngay cả khi giới hạn số giờ làm việc trong tuần đã giảm xuống còn 52 giờ, các trường hợp "gwarosa" vẫn xảy ra. Cụ thể, vào năm 2020, các liên đoàn lao động ghi nhận lên tới 14 nhân viên giao hàng đã chết vì làm việc quá sức. Chính bản thân họ đã hy sinh sức khỏe để giúp đất nước tiếp tục phát triển trong thời kỳ bùng phát dịch Covid-19.
Chính phủ Hàn Quốc đã ủng hộ kế hoạch tăng giới hạn số giờ làm việc trong tuần sau áp lực của các nhóm kinh doanh đang tìm cách tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, chính kế hoạch này lại vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của thế hệ trẻ và các liên đoàn lao động Hàn Quốc.
Thư ký cấp cao của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tuần trước cho biết, Chính phủ Hàn Quốc sẽ xem xét và tìm hướng đi mới sau khi lắng nghe ý kiến của công chúng đồng thời cam kết bảo vệ quyền và lợi ích của thế hệ trẻ ngày nay cũng như những người không thuộc liên đoàn lao động.
Những "nạn nhân" của việc tăng giờ làm
Jung Junsik, 25 tuổi, sinh viên đại học đến từ thủ đô Seoul cho biết đề xuất này không có ý nghĩa và khác xa với những gì người lao động thực sự mong muốn, thậm chí là vượt qua mức tối đa theo luật định.
"Cha tôi làm việc quá sức hàng tuần và không có ranh giới giữa công việc và cuộc sống. Thật không may, điều này khá phổ biến trong lực lượng lao động ở Hàn Quốc. Thanh tra lao động không thể giám sát mọi nơi làm việc 24/7. Người dân Hàn Quốc sẽ (vẫn) dễ bị tổn thương trước những công việc ngoài giờ quá sức cho phép", Jung Junsik chia sẻ.
Có lẽ, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong kế hoạch tăng giờ làm trong tuần đó là phụ nữ, nhất là những người đang nuôi con nhỏ.
"Công việc bận rộn không phải cái cớ để một người mẹ có thể cho con ăn trễ hay để con đi ngủ chẳng cần tắm rửa. Nuôi dạy trẻ em không phải là việc bạn có thể dồn lại làm một lần". Đó là chia sẻ của Kim (35 tuổi), người đang nghỉ thai sản sau khi sinh con vào năm ngoái, lúc nghe về kế hoạch cải cách hệ thống tuần làm việc của đất nước.
Kim làm việc cho một tập đoàn công ở tỉnh Gyeonggi và thường bận rộn vào cuối tuần do phải giám sát các dịch vụ dân cư. Cô lo sợ rằng thời gian làm việc dài hơn sẽ khiến việc chăm sóc con cái trở nên khó khăn hơn nhiều.
"Việc tôi không được trả lương thỏa đáng ngay cả khi đã làm việc hơn 52 giờ/tuần trước khi nghỉ thai sản là chuyện rất bình thường. Nếu số giờ làm việc tăng lên thì tôi không thể tưởng tượng mình sẽ đi làm kiểu gì, trong khi vẫn phải nuôi con nhỏ. Tôi thực sự đang cân nhắc nghiêm túc chuyện nghỉ việc", Kim nói.
Hiệp hội Phụ nữ Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố gần đây rằng "trong khi nam giới sẽ làm việc nhiều giờ và được miễn trách nhiệm chăm sóc, phụ nữ sẽ phải làm mọi thứ".
Những người lao động có con nhỏ nói rằng kế hoạch của chính phủ là "một cuộc thảo luận vô ích mà không biết cha mẹ thực sự phải trải qua những gì".
Theo các bậc cha mẹ đang đi làm, dù gửi con đi nhà trẻ hay mầm non, họ vẫn cần ít nhất 4-6 giờ/ngày để cho con ăn, tắm, mặc quần áo và đi ngủ.
Phụ nữ đang nuôi con nhỏ được xem là đối tượng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trước kế hoạch tăng giờ làm
Nói cách khác, làm việc 52 giờ/tuần đồng thời nuôi con sẽ dẫn đến tổng khối lượng công việc vượt quá 70 giờ/tuần.
Hơn nữa, "ca làm việc thứ hai", các công việc chăm sóc gia đình, trẻ em, chủ yếu được giao cho phụ nữ. Như vậy với kế hoạch tăng giờ làm việc lên 69 tiếng/tuần, nạn nhân cuối cùng chính là các bà mẹ.
Để có sự cân bằng thực sự giữa công việc và cuộc sống, không có cách nào khác ngoài việc giảm tổng số giờ làm việc.
Jeong (37 tuổi) là nhân viên bán hàng của một công ty dược phẩm lớn và cứ 1-2 lần/tuần, cô thường về nhà sau 22h do tính chất công việc.
Vào những ngày Jeong đi làm về trễ, chồng cô chỉ còn cách vừa làm việc ở nhà vừa chăm con 3 tuổi. "Chồng tôi rất quan tâm đến việc chăm sóc con cái và chúng tôi đang sống nhờ sự giúp đỡ của bố mẹ tôi. Nhưng nếu mọi thứ tệ hơn, tôi sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài nghỉ việc", Jeong nói.
"Con trai tôi rất đáng yêu. Đôi khi tôi muốn sinh thêm, nhưng không thể tưởng tượng được bản thân sẽ phải xoay xở như thế nào, vì vậy đã nhanh chóng từ bỏ ý định này", Jeong nói thêm.
Thực tế, Hàn Quốc có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, ở mức 0,78 vào năm 2022 và 0,81 vào năm 2021.
Theo hãng tin AP, dân số Hàn Quốc lần đầu tiên giảm vào năm 2021. Xu hướng già hóa sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới, vì tình trạng thiếu lao động và chi tiêu phúc lợi tăng lên.