Thị trường chứng khoán trong ngày giao dịch đầu tiên của tháng 5 diễn biến tiêu cực ngay từ đầu phiên. Kết thúc phiên giao dịch 4/5, VN-Index mất 18,12 điểm (-1,33%) về mốc 1.348,68 điểm. Toàn sàn có 301 mã giảm giá, 140 mã tăng và 38 mã đứng giá.
Chỉ số HNX-Index cũng kết phiên thấp nhất ngày khi giảm 4,86 điểm (-1,33%) xuống 360,97 điểm. Chỉ số UPCoM cũng ghi nhận mức giảm nhẹ hơn -0,28% về 104,2 điểm. Tổng giá trị giao dịch trên tất cả các sàn là 16.855 tỷ đồng. Trong đó riêng giá trị khớp lệnh trên sàn HoSE chỉ đạt 13.846 tỷ đồng, giảm 10% so với phiên trước nghỉ lễ.
Trong ngày chỉ số VN-Index mất 18,12 điểm, khối tài sản của gia đình tỷ phú Hồ Hùng Anh đã bị thổi bay gần 1.600 tỷ đồng cùng đà giảm của cổ phiếu TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam và MSN của CTCP Tập đoàn Masan.
Theo đó, trong phiên giao dịch ngày 4/5, TCB ghi nhận mức giảm 2.000 đồng/cổ phiếu tương đương mức giảm 4,55% để đóng cửa ở mức giá 42.000 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là mã cổ phiếu có tác động lớn đến chỉ số VN-Index trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 5. Mức giảm của TCB khiến khối tài sản của tỷ phú người Huế Hồ Hùng Anh cùng vợ Nguyễn Thị Thanh Thủy và con trai Hồ Anh Minh ở mã cổ phiếu này này ghi nhận mức giảm tổng cộng 703 tỷ đồng.
Đà giảm sâu của thị trường cũng khiến MSN của CTCP Tập đoàn Masan cũng ghi nhận mức giảm 2.900 đồng/cổ phiếu tương đương mức giảm 2,5% để đóng cửa ở mức giá 113.100 đồng/cổ phiếu. Với việc đang sở hữu trực tiếp và gián tiếp hơn 307 triệu cổ phiếu MSN khiến khối tài sản của tỷ phú Hồ Hùng Anh và vợ ở mã cổ phiếu này ghi nhận mức giảm thêm 892 tỷ đồng nữa.
Tính theo giá thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 4/5, khối tài sản của tỷ phú Hồ Hùng Anh cùng vợ Nguyễn Thị Thanh Thủy và con trai Hồ Anh Minh đang nắm giữ có giá trị gần 49.559 tỷ đồng.
Đà giảm điểm của thị trường chứng khoán không chỉ khiến các tỷ phú mà nhiều nhà đầu tư cá nhân cũng bị thiệt hại nặng nề
Sau phiên “lao dốc” khi thị trường chứng khoán mở cửa trở lại qua kỳ nghỉ lễ, nhận định về phiên giao dịch ngày 5/5, chuyên gia các công ty chứng khoán tỏ ra khá thận trọng.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định thị trường suy yếu trên nền thanh khoản thấp cho thấy sự thiếu quyết đoán ở lực cầu, tuy nhiên lực cung cũng chưa quá mạnh mẽ. Do đó, dự kiến VN-Index sẽ kiểm tra lại vùng hỗ trợ 1.330 – 1.340 điểm, tạm thời vùng này vẫn có khả năng hỗ trợ cho chỉ số. Nhà đầu tư cần quan sát động thái hỗ trợ tại đây để chủ động đưa ra quyết định giao dịch.
VDSC cho rằng dù có thể được hỗ trợ nhưng nhìn chung nhịp hồi phục của thị trường đang đối diện với nhiều rủi ro, do vậy nhà đầu tư nên tiếp tục hạn chế mua mới và và chủ động cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cũng khuyến nghị VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co quanh ngưỡng 1.350 điểm với khối lượng giao dịch vẫn ở mức thấp trong phiên giao dịch kế tiếp. Đồng thời, thị trường có thể sẽ biến động hẹp kéo dài và dòng tiền sẽ phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu nếu các chỉ số ít biến động hẹp trong hai phiên giao dịch tới. Điểm tiêu cực là lực cầu ở vùng giá cao vẫn suy yếu cho thấy thị trường sẽ chưa có động lực tăng trưởng mạnh và kịch bản “sideways” có khả năng xảy ra cao.
Các chuyên gia của CTCK KB Việt Nam (KBSV) đánh giá áp lực chốt lời ngắn hạn quanh vùng kháng cự gần 1.36x tiếp tục gây cản trở lên đà hồi phục của chỉ số. Mặc dù VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục trải qua các nhịp rung lắc trong những phiên tới, cơ hội hồi phục sau đó vẫn được đánh giá cao chừng nào vùng 1.320 (+/-10) vẫn được giữ vững.
Trong khi đó, các chuyên gia của CTCK Asean (Aseansc) lạc quan hơn khi dự báo trong phiên giao dịch 05/05, lực cầu bắt đáy tại vùng hỗ trợ gần 1.340 – 1.345 điểm có thể giúp chỉ số VN-Index hồi phục trở lại để kiểm tra vùng kháng cự gần 1.350 – 1.355 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 1.360 - 1.365 điểm. Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao khiến VN-Index có thể sẽ thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày.