Trong thông báo mới nhất, ông Nguyễn Hữu Mạnh, anh trai của bà Nguyễn Thị Thảo Nguyên - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) vừa thông báo đã mua vào thành công 172.000 cổ phiếu HPG trong tổng số 300.000 cổ phiếu đã đăng ký.
Lý do không hoàn tất giao dịch được đưa ra là "trong kỳ chưa thu xếp được kế hoạch tài chính".
Thời gian giao dịch từ 9/6 đến 8/7 theo phương thức khớp lệnh. Tạm tính theo thị giá trên thị trường của HPG, ông Mạnh đã chi khoảng 4 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch trên.
Cùng lúc, ông Nguyễn Ngọc Quang, Thành viên HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cũng vừa báo cáo đã bán 5 triệu cổ phiếu HPG theo phương thức thỏa thuận, thời gian giao dịch từ ngày 7/7 đến 11/7. Bên nhận chuyển nhượng là con gái ông Quang, bà Nguyễn Hà My.
Theo dữ liệu giao dịch, trong hai phiên giao dịch 7/7 và 11/7, cổ phiếu HPG phát sinh 2 giao dịch tổng cộng 5 triệu đơn vị, giá trị đạt 102 tỷ đồng. Sau giao dịch ông Quang còn sở hữu gần 104 triệu cổ phiếu HPG, tương ứng tỷ lệ 1,78% vốn điều lệ.
Trên thị trường, chung xu hướng điều chỉnh của thị trường cũng như nhóm ngành thép cổ phiếu HPG chưa cho thấy những dấu hiệu khả quan, thị giá đang đứng tại vùng giá thấp nhất 17 tháng khi chốt phiên 13/7 đạt 22.300 đồng/cp. HPG đã giảm gần 37% kể từ đầu năm đến nay. Nhìn rộng hơn, so với đỉnh đạt được cuối tháng 10/2021, thị giá HPG đã giảm gần một nửa xuống mức 22.450 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa thị trường chỉ còn 130.500 tỷ đồng, mất gần 125.000 tỷ đồng (~ 5,4 tỷ USD) trong hơn 8 tháng. Con số này thậm chí còn tương đương với tổng vốn hóa của 5 ngân hàng thương mại cộng lại.
Trong bối cảnh thị giá liên tục dò đáy, HPG còn chịu áp lực bán ròng từ khối ngoại. Tổng cộng hơn 142 triệu cổ phiếu HPG bị khối ngoại bán ròng từ đầu năm 2022 tới giữa tháng 7/2022, tương ứng giá trị lên đến hơn 5.700 tỷ đồng.
Không chỉ chịu áp lực từ khối ngoại, HPG còn gặp vấn đề từ chính nền tảng cơ bản khi lợi nhuận đã bước qua chu kỳ bùng nổ. Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát cũng từng chia sẻ tại Đại hội cổ đông thường niên 2022 rằng "Lúc này ngành thép đang không thuận lợi. Đợi hai tháng nữa sẽ có kết quả kinh doanh quý 2, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào".
Trong một báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá lợi nhuận nửa sau của năm cũng như cả năm 2022 của Hoà Phát sẽ có sự sụt giảm, nguyên nhân do chi phí nguyên vật liệu cao và sản lượng tiêu thụ yếu trong nửa sau của năm 2022. VDSC kỳ vọng doanh thu và LNST năm 2022 của Hoà Phát đạt 140.812 tỷ đồng và 25.884 tỷ đồng, tương ứng giảm 6% và 25% so với cùng kỳ.
Riêng với cổ phiếu HPG, mặc dù định giá đã xuống mức thấp, nhưng do lợi nhuận nửa sau năm 2022 của HPG được kỳ vọng sẽ ở mức thấp so với mức cao của cùng kỳ năm 2021, dẫn tới sẽ không có nhiều động lực tăng cho giá cổ phiếu, ít nhất là cho đến cuối năm nay. VDSC nghiêng về kỳ vọng tích cực cho triển vọng tăng trưởng dài hạn, do nhà máy Dung Quất 2 sẽ hoạt động từ năm 2025 và tiêu thụ thép thế giới sẽ trở lại từ năm 2024.