Tại cuộc đối thoại "Hoàn thiện pháp lý về xử lý nợ xấu sau khi nghị quyết 42 kết thúc thí điểm" do Thời báo kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 13/7, TS.Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho biết bây giờ nợ xấu nội bảng chỉ đang ở mức khoảng 1,4% nhưng tháng 6 vừa qua Thông tư 14 hết hiệu lực và thông tư này nếu như không được gia hạn những khoản lẽ ra không phải chuyển nhóm nợ sẽ phải chuyển nhóm và nếu phải chuyển nhóm như thế đương nhiên nợ xấu sẽ tăng. Do đó, nợ xấu nội bảng năm nay được dự báo sẽ được đẩy lên mức 2% và nợ xấu gộp ở mức khoảng 6%.
Trước những rủi ro bất định trong thời gian sắp tới, chuyên gia cho rằng nếu không luật hoá Nghị quyết 42 thì sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý, từ đó gây khó khăn trong việc xử lý nợ xấu.
Trước hết, Nghị quyết 42 trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả rất tốt. Bức tranh nợ xấu giảm rõ rệt trong 2 năm dịch Covid-19 đưa nợ xấu gộp xuống dưới 3% hoàn thành cuối năm 2020. Ông Lực cho rằng một chính sách hiệu quả như vậy thì cần tiếp tục được duy trì trong thời gian tới.
Mặc dù việc thực hiện Nghị quyết 42 đã mang lại những kết quả nhất định song Nghị quyết này vẫn còn vài vướng mắc cần được hoàn thiện trước khi gia hạn. Sau đó khi luật hóa xử lý nợ xấu phải lưu ý các vướng mắc đó để không lặp lại.
"Làm nghề kinh doanh tiền tệ đó là kinh doanh rủi ro mà là rủi ro sẽ luôn luôn tiềm ẩn. Vì thế các ngân hàng nước ngoài chấp nhận tỷ lệ rủi ro nợ xấu đâu đó khoảng 2 - 3 %. Nợ xấu liên tục xảy ra chứ không phải chỉ có thời kỳ kinh tế khó khăn" – ông Lực chia sẻ. Chính vì vậy, rất cần thiết phải có một khung pháp lý cho chứ không phải để cho cộng dồn tích tụ tạo nên những nguy cơ, những điểm tắc nghẽn cho kinh tế quốc gia.
Việc luật hóa Nghị quyết 42 còn để góp phần hoàn thiện thể chế tăng tính hiệu lực hiệu quả cho pháp luật. Ông Lực cho biết: "Bây giờ quy mô nợ xấu tuyệt đối rất là khác. Nếu chúng ta không luật hóa xử lý nợ xấu mà lại quay trở về dùng những luật cũ ví dụ luật dân sự, luật doanh nghiệp tôi nghĩ rằng lúc đó sẽ cực kỳ lúng túng và chồng chéo."
Từ kinh nghiệm quốc tế, ở các nước họ không cần có luật riêng về xử lý nợ xấu nhưng luật Pháp của họ rất mạnh; hiệu lực hiệu quả rất rõ rệt. Tuy nhiên ở nước ta, vẫn còn chồng chéo thứ hai là hiệu lực hiệu quả của các bộ luật có liên quan rõ ràng chưa tốt. Chính vì vậy chúng ta mới phải có những cái đặc thù.
Một lí do khác được chuyên gia nhắc đến là việc xử lý tốt nợ xấu giúp tăng nguồn lực cung cấp tín dụng cho nền kinh tế.
Về đề xuất đối với Nghị quyết 42, ông Lực kiến nghị 2 bước thực hiện. Bước đầu là gia hạn Nghị quyết 42 đến năm 2023 như Quốc Hội đã phê duyệt. Từ giờ đến lúc đó sẽ có thêm thời gian chuẩn bị các bước để luật hóa xử lý nợ xấu không tạo ra khoảng trống pháp lý.
Bước hai là song song với luật hóa cũng phải từng bước xử lý vướng mắc chứ không phải để cứ tồn tại. "Có một bộ luật riêng xử lý nợ xấu hoặc có một chương trong luật tổ chức tín dụng sửa đổi bởi vì giữa năm tới chúng ta cũng sẽ bàn đến chuyện sửa đổi luật tổ chức tín dụng, cần thảo luận trao đổi khoa học về sứ mệnh của VAMC tới đây sẽ thế nào" – ông Lực nói.