Thời sự

Chuyên gia: Ngưỡng giá xăng dầu phù hợp với người dân khoảng 22.000 - 23.000 đồng/lít

Tại kỳ điều hành ngày 11/7, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm khoảng 3.000 đồng/lít. Như vậy, sau chuỗi 7 lần tăng giá liên tiếp, giá xăng đã có hai lần điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia mức giảm này chưa thể tác động ngay vào nền kinh tế.

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú,nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, giá xăng giảm là thông tin rất tích cực với người dân và cả nền kinh tế, nhưng mức giảm này chưa đủ để tác động vào giảm giá cả hàng hoá, dịch vụ.

 Kể từ đầu năm, giá xăng dầu đã trải qua 18 lần điều chỉnh với 13 lần tăng, 5 lần giảm.

Ba nguyên nhân khiến giá hàng hoá giữ nguyên dù giá xăng giảm

Phân tích về những nguyên nhân khiến giá việc giảm giá xăng dầu chưa thể tác động ngay vào nền kinh tế, ông Phú cho rằng, đầu tiên là cần tính đến độ trễ của nền kinh tế. Giá xăng giảm nhưng giá nguyên vật liệu đầu vào của doanh nghiệp, hộ kinh doanh chưa giảm thì giá sản phẩm cũng chưa thể giảm.Trường hợp giá xăng dầu duy trì ở mức như hiện nay thì cũng phải mất từ 3 – 6 tháng để tác động vào nền kinh tế do có độ trễ. 

Nguyên nhân thứ hai là giá xăng giảm còn phải bù đắp vào khoản chi phí mà doanh nghiệp đã bỏ ra khi giá xăng tăng hoặc để họ thu lại một phần lợi nhuận. Kể từ đầu năm đến nay, giá xăng, dầu đã tăng hơn 10.000 đồng/lít và đến nay chỉ giảm 2.000-3.000 đồng, ông Phú cho hay.

Trong thời buổi hiện nay, không có người kinh doanh nào muốn tăng giá hàng hóa khi sức mua yếu như vậy. Cho nên, chủ quán cũng chỉ dám tăng giá trong mức cho phép và thu hẹp lợi nhuận của mình, giờ giá xăng giảm xuống một chút xem như là để bù đắp chi phí.

“Họ còn phải bù đắp khoản 5 tháng vừa rồi do giá xăng tăng phi mã nên chắc chắn chưa thể giảm ngay. Dù giá xăng có giữ ở mức như hiện nay, nhiều cửa hàng, quán xá cũng không có ý định giảm giá", ông Phú cho biết.

Thứ ba là các chủ hàng quán cũng còn đang nghe ngóng xem giá xăng giảm xong sẽ giữ ở mức này hay tăng trở lại.

Nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội phân tích, vừa rồi, giảm thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít với xăng dầu thì lại trích lập vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) đến 950 đồng/lít. Thực chất, giá xăng giảm là do giá thế giới. 10 ngày hay 20 ngày sau giá thế giới tăng cao theo thì giá xăng ở Việt Nam lại tăng trở lại. 

“Người dân lo lắng, nghe ngóng không biết giá xăng có thực sự giảm không hay chỉ được đúng 10 ngày rồi lại tăng”, ông Phú cho biết. 

 Đồ hoạ: Justin Bui

Bình ổn giá xăng dầu có ý nghĩa quan trọng

Còn theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Chính phủ giao cho Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xác định ngưỡng giá xăng dầu đối với nền kinh tế. "Khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, Chính phủ phải điều hành giá xăng dầu trong nước không vượt ngưỡng này", TS. Lâm nhấn mạnh. 

TS. Lâm cho rằng, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, huyết mạch của nền kinh tế. Chính vì vậy, việc bình ổn giá xăng dầu có ý nghĩa quan trọng trong kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng. 

Khi giá xăng tăng theo cơ chế thị trường, các cơ quan chức năng cần có tín hiệu và giải pháp giữ cho giá xăng dầu ổn định, không biến động thất thường, hoặc tiếp tục giảm. Có như thế mới mang lại hiệu quả của việc giảm giá xăng dầu, TS. Lâm nhìn nhận.

Đồng quan điểm, Nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cũng cho rằng, ngưỡng giá xăng dầu mà người dân "chịu được" chỉ khoảng 22.000 -23.000 đồng/lít, mức này phù hợp với thu nhập bình quân của Việt Nam.

Vì vậy, để giá cả hàng hoá thực sự được bình ổn, theo ông Phú cần sử dụng các công cụ giảm thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và thuế nhập khẩu với xăng dầu. Với quỹ BOG, ông Phú cho rằng, đây chỉ là một hình thức người dân “trả trước” chứ không phải khoản hỗ trợ từ Nhà nước.

Vị chuyên gia này đề nghị cần làm ngay việc giảm thuế TTBĐ với xăng dầu thậm chí tiến tới bỏ sắc thuế này bởi không phù hợp khi xăng dầu là hàng thiết yếu chứ không phải hàng xa xỉ.

“Thời cơ tốt nhất để giảm thuế là từ 3-4 tháng trước chứ không phải đến bây giờ mới giảm. Bởi những hệ luỵ từ giá xăng tăng cao là rất lớn”, ông Phú nói.

Nhắc lại một trong những tác động tiêu cực do giá xăng, dầu tăng cao, ông Phú cũng cho biết, việc hàng ngàn ngư dân để tàu cá nằm bờ sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề.

Ngành chế biến, xuất khẩu thuỷ sản sẽ thiếu hụt nguyên liệu kéo theo nhân công, lao động không có việc làm. Điều này sẽ tác động không nhỏ tới xuất khẩu của Việt Nam bởi thuỷ sản vốn là một thế mạnh. Bên cạnh đó, giá thực phẩm, hải sản tăng càng gây khó khăn cho người dân vốn đã phải “gồng mình” vì chi phí tăng cao, ông Phú nêu vấn đề.

Gần đây, giá thịt bò và thịt lợn đã có xu hướng tăng, nếu không kìm giá xăng dầu, cuộc sống của người dân sẽ vô cùng khó khăn, ông Phú lưu ý.

Tối 10/7, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu cùng thời điểm Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn có hiệu lực từ 0h ngày 11/7.

Theo đó, xăng E5 RON 92 giảm 3.103 đồng/lít, giá xăng RON 95 được điều chỉnh giảm 3.088 đồng/lít. Sau khi giảm, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 27.780 đồng/lít và xăng RON 95 là 29.670 đồng/lít.

Giá bán đối với mặt hàng dầu cũng giảm mạnh ở kỳ điều hành này, dầu diesel giảm 3.022 đồng/lít còn 26.590 đồng/lít, dầu hỏa còn 26.340 đồng/lít.

Như vậy, đây là lần giảm thứ hai sau 7 lần tăng liên tiếp và là mức giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay của giá xăng, dầu.

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm