Chị Linh tăng cân không kiểm soát khi sinh con thứ hai, hiện cao 1,54 m, nặng 73 kg. Ngày 17/4, tiến sĩ, bác sĩ Lê Bá Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, cho biết chị Linh có BMI 30.8, béo phì độ hai, dạng nam. Đặc điểm của dạng béo phì này là người bệnh có vẻ mặt hồng hào, mỡ phân bố nhiều ở bụng, thân, vai, cánh tay, cổ, mặt, cơ vẫn phát triển.
Kết quả đo InBody cho thấy lượng mỡ chiếm khoảng 45% cơ thể, tỷ số vòng eo/hông 0,92 (ngưỡng an toàn ở nữ giới là dưới 0,8), diện tích mỡ nội tạng khoảng 165 cm2 (an toàn là 100 cm2). Lượng mỡ tích tụ nhiều khiến người bệnh có nguy cơ cao gặp các biến chứng như rối loạn lipid máu, gan nhiễm mỡ, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, nguy cơ ung thư vú...

Chị Linh bị béo phì dạng nam, mỡ bụng nhiều. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Phác đồ điều trị của chị Linh tập trung giảm mỡ nội tạng, nhất là ở vùng bụng, cải thiện tỷ số vòng eo/hông, tăng khối cơ. Do chị bị rối loạn lipid máu, tiền đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, bác sĩ Ngọc chỉ định sử dụng thuốc hỗ trợ giảm cân dạng tiêm. Thuốc giúp kiểm soát cảm giác đói, hỗ trợ giảm cân, giảm mỡ, phù hợp với người bệnh béo phì có nguy cơ mắc đái tháo đường type 2.
Bên cạnh sử dụng thuốc, chị Linh được bác sĩ hướng dẫn xây dựng cấu trúc thành phần dinh dưỡng cân bằng trong chế độ ăn gồm đầy đủ các nhóm chất nhằm đảm bảo yếu tố thâm hụt calo, thúc đẩy đốt mỡ. Cụ thể, trong giai đoạn đầu, chế độ ăn mỗi ngày của chị gồm 50-55% carb (khoảng 170 g, ưu tiên carb phức hợp), 15-20% chất đạm (70 g), dưới 30% chất béo (khoảng 40 g), dưới 5 g muối mỗi ngày và 20-30 g chất xơ, cung cấp đầy đủ các vitamin, khoáng chất cần thiết như kali, sắt, axit amin. Ăn đủ ba bữa trong ngày.
Theo bác sĩ Ngọc, khi chuyển sang giai đoạn tăng cơ - giảm mỡ, chị Linh vừa phải duy trì cân nặng hợp lý vừa đảm bảo tăng khối cơ - giảm mỡ nội tạng, điều này quan trọng với người béo phì dạng nam như chị Linh. Giai đoạn này, bác sĩ điều chỉnh tỷ lệ các chất dinh dưỡng để hỗ trợ quá trình tăng tổng hợp protein, tối ưu chuyển hóa mỡ, đồng thời duy trì cân bằng nội tiết và năng lượng. Người bệnh được khuyến cáo tăng lượng đạm lên 25-30% (khoảng 100-120 g mỗi ngày, ưu tiên đạm nạc) và giảm lượng carb xuống còn 40-45% (khoảng 160 g).

Bác sĩ Ngọc tư vấn cho chị Linh các giai đoạn giảm cân Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Chuyên viên vận động tư vấn cho chị các bài tập thể chất giúp tăng sức bền, bắt đầu từ các bài tập cường độ thấp và tăng dần để cơ thể thích nghi. Kết hợp tập kháng lực để tăng khối lượng cơ, thúc đẩy quá trình đốt mỡ.
Trong quá trình điều trị, ngoài BMI, bác sĩ ưu tiên theo dõi chỉ số cơ - mỡ - nước trong cơ thể để kịp thời điều chỉnh phác đồ phù hợp cho người bệnh. Sau 4 tháng, chị Linh giảm 14 kg, chỉ số BMI 24.9 - thoát ngưỡng béo phì. Tình trạng rối loạn lipid máu, tiền đái tháo đường, diện tích mỡ nội tạng, tỷ số vòng eo/hông đều về ngưỡng an toàn.
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |