Dinh dưỡng

Người đàn ông 60 tuổi ở Phú Thọ bất ngờ hôn mê, suy thận vì một sai lầm mà nhiều nam giới Việt mắc phải

Tóm tắt:
  • Người bệnh uống rượu giả chứa methanol, xuất hiện triệu chứng mệt mỏi và hoa mắt sáng hôm sau.
  • Tại bệnh viện, người này hôn mê, suy hô hấp, toan chuyển hóa nặng do ngộ độc methanol.
  • Các phương pháp cấp cứu gồm lọc máu, thở máy, truyền ethanol phối hợp, giúp hồi phục sau 3 ngày.
  • Methanol gây tổn thương thần kinh, thị giác, dẫn tới ngộ độc nặng, có thể gây mù hoặc tử vong.
  • Cảnh báo người dân sử dụng cẩn thận rượu, tránh nhầm rượu giả chứa cồn công nghiệp nguy hiểm.

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, vừa qua các bác sĩ nơi đây đã tiếp nhận người bệnh nam L.V.M (60 tuổi) ở Hạ Hòa, Phú Thọ trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, toan chuyển hóa nặng sau khi uống phải rượu giả chứa cồn công nghiệp Methanol.

Gia đình người bệnh cho biết, tối hôm trước khi nhập viện, người bệnh có uống rượu trong bữa ăn, đến sáng hôm sau thấy xuất hiện mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt gia đình đã đưa đến Trung tâm y tế huyện. Tại đây, người bệnh xuất hiện các cơn kích thích vật vã, huyết áp tăng cao, thở nhanh sâu có dấu hiệu suy hô hấp. Người bệnh đã được xử trí cấp cứu ban đầu rồi nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Người bệnh bị ngộ độc Methanol (cồn công nghiệp) được cấp cứu tại bệnh viện. Ảnh: BVCC

Người bệnh bị ngộ độc Methanol (cồn công nghiệp) được cấp cứu tại bệnh viện. Ảnh: BVCC

Tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc yêu cầu, người bệnh trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp phải thở máy qua ống nội khí quản, da lạnh, nổi vân tím toàn thân, Các kết quả xét nghiệm cho thấy người bệnh có tình trạng toan chuyển hóa rất nặng, suy thận cấp, rối lọan điện giải nặng… nghi do ngộ độc cấp. 

Ngay lập tức các bác sỹ đã triển khai các phương pháp hồi sức cấp cứu nhanh chóng cho người bệnh như lọc máu liên tục, thở máy, điều chỉnh các rối loạn toan kiềm, cân bằng dịch, điện giải. Đồng thời, bác sĩ đã tiến hành xét nghiệm Methanol trong máu, kết quả = 48.7 mg/dl. Người bệnh được chẩn đoán ngộ độc Methanol biến chứng suy đa tạng, toan chuyển hóa nặng.

Người bệnh tiếp tục được chạy thận nhân tạo cấp cứu kết hợp sử dụng ethanol 20% truyền qua đường dạ dày. Sau đó được duy trì lọc máu liên tục để điều chỉnh rối loạn toan kiềm và tình trạng suy đa tạng. Kết quả xét nghiệm lại sau lọc máu chỉ số methanol = 3,2 mg/dl.

Sau 3 ngày điều trị tích cực, người bệnh đã tỉnh táo lại, hết toan chuyển hóa, hết suy thận, được rút ống nội khí quản.

Theo nhận định của các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc yêu cầu, đây là trường hợp ngộ độc methanol rất nặng do uống phải rượu giả chứa cồn công nghiệp, nhưng nhờ được chẩn đoán sớm, cấp cứu và điều trị kịp thời, tích cực bằng các biện pháp điều trị tiên tiến, hiện đại nên người bệnh vượt qua được tình trạng nguy kịch, không để lại di chứng trên mắt, thần kinh trung ương và các cơ quan khác.

Uống rượu giả chứa cồn công nghiệp Methanol, cơ thể bị tàn phá như thế nào?

Thông tin về rượu chứa cồn công nghiệp (Methanol), TTƯT. TS. BS Nguyễn Thị Thanh Mai – Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc yêu cầu cho biết: Methanol có công thức hóa học là CH3OH, là thành phần của cồn công nghiệp, xăng dầu, dung môi sơn… được dùng trong công nghiệp hóa chất và đồ gia dụng. Ngộ độc methanol xảy ra khi người bệnh uống nhầm methanol hoặc uống rượu có chứa Methanol. Methanol rất độc do sản phẩm chuyển hóa tạo thành Formol (Formaldehyd) và axit Formic, gây ức chế hệ thống thần kinh trung ương, tổn thương thần kinh thị giác, gây toan chuyển hóa nặng và suy đa cơ quan….

Chỉ cần uống 5-15ml Methanol có thể gây ngộ độc nặng, 15ml trở lên có thể gây mù lòa và 30ml có thể gây tử vong.

Trường hợp ngộ độc methanol nhẹ có biểu hiện cảm giác say, chóng mặt, buồn nôn, nôn ói, nhức đầu. Trường hợp nặng sẽ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, nôn ra máu, rối loạn thần kinh (co giật, hôn mê, co cứng toàn thân); rối loạn hô hấp (thở nhanh, phù phổi cấp); rối loạn tuần hoàn (mạch nhanh, huyết áp tụt); đồng tử giãn, xuất huyết võng mạc và tử vong.

Qua trường hợp người bệnh M, bác sĩ Mai có khuyến cáo tới người dân: "Các loại cồn sát khuẩn giả, rượu, bia giả có thành phần chủ yếu là Methanol, chứa rất ít hoặc không có ethanol. Vì vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác khi sử dụng các loại cồn sát khuẩn, rượu, bia… để tránh dùng phải hàng giả, hàng nhái. Chỉ sử dụng rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sử dụng có kiểm soát. 

Nếu không may vô tình uống phải rượu có chứa Methanol, đặc biệt khi xuất hiện các triệu chứng như tụt huyết áp, mờ mắt, bủn rủn chân tay, vã mồ hôi, sốt, co giật, hôn mê… người bệnh cần ngay lập tức được đưa đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng và hạn chế tối đa các di chứng".

Các tin khác

Hà Nội: Kỳ lạ khu đô thị nghìn tỷ nhiều năm "án binh bất động", UBND Hoài Đức yêu cầu Công ty Lũng Lô 5 phải báo cáo trước ngày 6/5/2025

Khu đô thị Nam 32 của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Lũng Lô 5 làm Chủ đầu tư sau nhiều năm chậm trễ do nợ thuế, chậm giải phóng mặt bằng vẫn chưa thể xây dựng. Người dân nhiều lần gửi đơn khiếu kiện nhưng vẫn chưa có chuyển biến. Vì thế, UBND huyện Hoài Đức vừa có văn bản yêu cầu Chủ đầu tư phải khẩn trương thực hiện dự án.

Giá vàng tiếp tục tăng

Sáng nay (27/4), giá vàng trong nước tiếp tục tăng lên mốc 121 triệu đồng/lượng với vàng miếng SJC và 120 triệu đồng/lượng với vàng nhẫn.

Thủ tướng: Khẩn trương trình Quốc hội các cơ chế đặc thù thống nhất cho tất cả các dự án đường sắt

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu không thay đổi là phải khởi công dự án đướng sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025 và khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong năm 2026; giao các cơ quan khẩn trương hoàn thiện nghị quyết thống nhất các cơ chế đặc thù cho tất cả dự án đường sắt, trình Chính phủ trong tháng 4 để trình Quốc hội trước ngày 5/5.

Đi bộ khi bụng đói hay sau bữa ăn là tốt hơn?

Dù là hình thức tập luyện đơn giản nhưng đi bộ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Ngoài ra, thời điểm đi bộ vào lúc đang đói hay đang no cũng có thể ảnh hưởng đến lợi ích mà hình thức tập này mang lại.

Tỷ lệ cận thị ở trẻ em Việt ngày càng tăng

Cận thị đang trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu. WHO dự báo năm 2050, một nửa dân số thế giới sẽ bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này. Tương tự tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ cận thị ngày càng tăng.