Nhiệt độ tăng có thể xóa sổ hàng loạt loài sinh vật biển, theo cảnh báo của các nhà khoa học - Ảnh: REUTERS
Theo đó, vào năm 2300, sự sống trong các đại dương sẽ đối mặt với nguy cơ diệt vong hàng loạt tương tự cuộc đại tuyệt chủng tồi tệ nhất trên Trái đất cách đây khoảng 250 triệu năm, nếu nhân loại không hạn chế phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Trong nghiên cứu được đăng trên tạp chí Science (Khoa học) ngày 28-4, các tác giả Justin Penn và Curtis Deutsch tại Đại học Washington và Đại học Princeton (Mỹ) đã sử dụng mô hình sinh lý học để đánh giá giới hạn vật lý của các loài với nhiệt độ dưới biển và mức độ suy giảm oxy dự kiến - một nhiệm vụ đặc biệt khó khăn do không có nhiều công trình nghiên cứu trước đây trong lĩnh vực này.
Kết quả nghiên cứu đã cho thấy tình trạng đáng báo động: nếu tình trạng nước biển ấm lên vẫn duy trì như hiện nay, hệ sinh thái biển trên toàn hành tinh có thể trải qua một cuộc tuyệt chủng hàng loạt tương đương với cuộc đại tuyệt chủng cuối kỷ Permi, còn được gọi là "Đại diệt vong".
Sự kiện thảm khốc này đã chứng kiến gần như tất cả sự sống trên Trái đất bị xóa sổ, khoảng 97% sinh vật biển đã chết trong cuộc đại tuyệt chủng hàng loạt này vì nhiệt độ ấm lên và cạn kiệt oxy. Các tình trạng tương tự như vậy cũng đang xảy ra với Trái đất ngày nay.
Một rạn san hô ở Bali, Indonesia - Ảnh: REUTERS
Nghiên cứu lưu ý trong khi các đại dương nhiệt đới sẽ mất đi nhiều loài nhất, nhiều loài sinh vật từ những khu vực này sẽ di cư đến các khu vực có vĩ độ cao hơn để tồn tại. Mặt khác, các loài ở vùng cực sẽ biến mất hàng loạt do các dạng môi trường sống sẽ biến mất hoàn toàn khỏi hành tinh.
Các tác giả nghiên cứu nhấn mạnh việc khống chế đà tăng nhiệt độ ở mức 2 độ C theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sẽ giảm 70% "mức độ nghiêm trọng của sự tuyệt chủng", qua đó tránh xảy ra nguy cơ tuyệt chủng hàng loạt.
Giới khoa học lưu ý rằng do các cuộc tuyệt chủng ở dưới biển không tiến triển nhanh như trên đất liền, con người có thời gian để xoay chuyển tình thế có lợi cho cuộc sống đại dương. Viễn cảnh tương lai tốt nhất hay tồi tệ nhất của Trái đất sẽ phụ thuộc vào những lựa chọn mà xã hội đưa ra, không chỉ về vấn đề biến đổi khí hậu mà còn về sự tàn phá môi trường sống, đánh bắt thủy hải sản quá mức và ô nhiễm vùng ven biển.
Một con cá voi chết ở bãi biển Ocean, San Francisco, Mỹ - Ảnh: AP
Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, hơn 190 quốc gia đã cam kết hạn chế tình trạng nóng lên của Trái đất ở mức dưới 2 độ C và nỗ lực cho một mục tiêu tham vọng hơn là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn các nước đều không đạt được tiến bộ đáng kể trong vấn đề này.
Các chuyên gia nhấn mạnh các nước cần nhanh chóng giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính để tránh làm tăng nhiệt độ Trái đất, kéo theo các hiện tượng thời tiết cực đoan nguy hiểm.
Trước đó, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cũng đã cảnh báo thời gian để hạn chế mức tăng nhiệt độ của Trái đất ở ngưỡng 1,5 độ C đang cạn dần.