Hầu hết mọi người thường có xu hướng chi tiêu nhiều hơn trong những ngày nghỉ. Sau đó, khi kết thúc kỳ nghỉ lễ, chúng ta thường sẽ tự hỏi mình rằng tại sao lại tiêu nhiều đến như vậy. Bước tiếp theo chính là tự hứa với bản thân rằng đến mùa lễ hội tiếp theo, sẽ tiêu dùng hợp lý hơn, nhưng "chuyện đâu lại vào đấy", nó thành 1 vòng luẩn quẩn lặp lại.
Nhận thức được lý do tại sao chúng ta chi tiêu quá mức có thể là bước đầu tiên để duy trì một ngân sách hợp lý cho kỳ nghỉ.
1. Niềm tự hào và kỳ vọng quá mức
Trong những ngày nghỉ, chúng ta thường sẽ dành thời gian cho gia đình - những người khó có thể gặp thường xuyên do công việc và học tập xa nhà. Nó sẽ là một bữa tiệc hay buổi gặp mặt đầm ấm nếu không có những cảm giác cạnh tranh. Đôi lúc, bạn sẽ phải mua một món quà cao cấp dành cho tất cả mọi người. Và điều đó khiến cho bạn thâm hụt tài chính.
Đó có thể là do áp lực bạn tự tạo ra hoặc chính từ điều kiện của anh chị em xung quanh. Tuy nhiên, món quà là điều đem đến niềm vui cho cả người nhận lẫn người đi tặng, do vậy không cần thiết phải mua những thứ ngoài khả năng của bản thân. Thay vì một món quà quá đắt tiền, hãy thử dành thời gian để tìm một món quà ít tốn kém hơn nhưng thực sự chu đáo và phù hợp. Hoặc ngừng quan tâm đến suy nghĩ của những người xung quanh (hiệu quả lâu dài hơn, nhưng khó thực hiện hơn).
2. Sự tiện lợi
Sự tiện lợi của mua sắm online là một lợi thế to lớn đối với hầu hết mọi người, cho phép chúng ta mua sắm từ chính nhà của mình, ngay cả vào ban đêm, trong bộ đồ ngủ. Nó cũng khiến bạn dễ dàng chi tiêu quá mức, đặc biệt là khi chúng ta đang sử dụng thẻ tín dụng. Bởi vì một số người thường không có thói quen kiểm tra lại hoá đơn đã chi tiêu.
Nếu bạn mua sắm trực tuyến, hãy sử dụng bộ lọc để có thể săn mã giảm giá và chọn những sản phẩm thật sự phù hợp với bản thân.
3. Mua sắm dưới ảnh hưởng
Một vấn đề nhỏ nhưng có lẽ quan trọng với việc mua sắm online vào kỳ nghỉ lễ là nó có thể diễn ra (như đã đề cập ở trên) vào đêm muộn, trong những ngày nhàn rỗi. Có lẽ không ít người đã từng trải qua tình trạng bội chi chỉ vì quá nhàm chán sau đó tiện tay lướt các trang thương mại và mua đồ. Hơn thế nữa, vào khoảng thời gian nghỉ, chúng ta thường sẽ ngủ muộn hơn và những quyết định mua sắm, đặc biệt vào nửa đêm, thường khá sai lầm.
4. Tâm lý mua sắm
Các cửa hàng thường có rất nhiều "mánh khóe" tâm lý kích thích bạn muốn "vung tiền", chi tiêu quá mức, đặc biệt là vào trong những kỳ nghỉ lễ. Mọi thứ từ bảng giá đến màu sắc theo chủ đề ngày lễ đều khuyến khích bạn chi tiêu nhiều hơn. Hãy nhận biết những mánh khoé này và chuẩn bị sẵn tâm lý để không bị rơi vào " bẫy tiêu tiền - bẫy rút ví" .
5. Ước tính quá mức
Những ngày lễ chính là thời điểm thích hợp nhất trong năm để tụ tập bạn bè và người thân, có đôi ba câu trò chuyện và những bữa ăn ngon miệng. Không khó để thấy cảnh các nhà hàng từ cao cấp cho đến vỉa hè chật kín khách trong khoảng thời gian này. Và nếu chúng ta thường lãng phí thức ăn vào những thời điểm khác trong năm, nó có thể trở nên tồi tệ hơn vào mùa lễ.
Bạn có thể sẽ gọi 1 bàn đủ cho 10 người ăn trong khi số người tham gia bữa ăn chỉ là 5 người. Nếu bạn không thể thực tế hơn về những thứ cần thiết, ít nhất hãy chuẩn bị sẵn một kế hoạch cho đồ ăn có thể sẽ bị thừa.
6. Dễ bị người khác "rủ rê" mua sắm
Thật dễ dàng để chi tiêu quá mức khi tất cả mọi người xung quanh bạn đều có xu hướng chi tiêu nhiều hơn. Bạn có thể sẽ cảm thấy lạc lõng, đôi khi là tội lỗi khi không mua bất cứ thứ gì trong khi mọi người đều đang làm điều đó.
Hoặc đó chính là cách biện minh cho việc chi tiêu quá mức. Chúng ta thường tự nhủ rằng đây là dịp lễ và khoảng thời gian để xả stress bằng các hoạt động khác nhau bao gồm mua sắm. Hãy tập trung vào chuyện những ngày nghỉ thực sự có ý nghĩa như thế nào (đối với bạn) để tránh xa chủ nghĩa tiêu dùng.
Ảnh: Tổng hợp