Tại ngày 31/3 năm nay, Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) đang cho vay gần 940 tỷ đồng. Trong đó, Công ty cổ phần Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC – Mã: HCM) vay 765 tỷ đồng, CTCP Chứng khoán VPS vay 158 tỷ đồng, còn lại là CTCP Đầu tư Đông Sài Gòn.
Đây đều là các khoản cho vay với kỳ hạn ngắn từ 3 đến 6 tháng với lãi suất từ 6,4% đến 7% mỗi năm.
HSC và VPS là hai công ty chứng khoán lớn, nằm trong top 5 thị phần môi giới giao dịch cổ phiếu tại Sàn Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), như thể hiện trong biểu đồ bên dưới.
Ngoài cho vay các công ty chứng khoán, Thế Giới Di Động còn gửi ngân hàng và mua trái phiếu tổng trị giá hơn 14.300 tỷ đồng. Trong số này, gần 11.700 tỷ đồng được đầu tư với kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng và hưởng lãi suất dao động từ 5% đến 8,65% mỗi năm.
Các khoản cho vay, tiền gửi ngân hàng và mua trái phiếu kể trên đem về cho Thế Giới Di Động 211 tỷ đồng tiền lãi trong quý I. Trong khi đó, chi phí lãi vay của công ty là 200 tỷ đồng.
Tại ngày 31/3/2022, công ty của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài không có nợ dài hạn, đang vay ngắn hạn 24.486 tỷ đồng, lớn hơn nhiều so với số tiền mà Thế Giới Di Động đang cho vay. Việc lãi cho vay của Thế Giới Di Động dư sức thanh toán chi phí đi vay chứng tỏ lãi suất khi đi vay của công ty là rất thấp.
Các chủ nợ chính của Thế Giới Di Động tại ngày cuối tháng 3 vừa qua là ngân hàng BNP Paribas, VietinBank, Sumitomo Mitsui, Vietcombank, …
Tại ngày cuối quý I năm nay, tổng nợ phải trả của Thế Giới Di Động là 40.560 tỷ đồng, tất cả đều là nợ ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu chiếm 35% tổng nguồn vốn, trị giá 21.810 tỷ đồng. Thống kê dưới đây cho thấy trong lịch sử, tổng nợ thường chiếm khoảng 2/3 tổng nguồn vốn.