Người xưa có câu "Học ăn, học nói, học gói, học mở". Trong đó, những quy tắc về ăn uống thường được chú ý và giáo dục đầu tiên. Thế nên, mọi người cho rằng chỉ cần nhìn vào hành động của một người trên bàn ăn là biết họ có được dạy dỗ tử tế hay không.
Không ngoa khi nói: Giáo dục thực sự nằm trên bàn ăn. Hành vi của trẻ trên bàn ăn phản ánh phẩm chất của cha mẹ. Trong những bữa cơm hằng ngày, bạn có thể bắt gặp những thói quen xấu của trẻ khi ăn uống mà nếu không được uốn nắn sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách. Đặc biệt trong những ngày Tết, tiệc tùng thăm hỏi liên miên, nếu không muốn rơi vào cảnh khó xử, thậm chí "muối mặt" vì con trẻ, cha mẹ nhất định phải dạy con những quy tắc ăn uống để các bé ứng xử đúng mực.
Đừng nghĩ rằng con còn nhỏ, đợi chúng lớn lên dạy dỗ cũng chưa muộn. Nếu con bạn đã chăm chỉ học tập trong nhiều năm và đạt được nhiều thành tích, nhưng lại bỏ lỡ cơ hội vì ấn tượng xấu do một bữa ăn để lại, là một người mẹ, bạn có hối hận vì 30 năm trước bạn đã dạy con quá ít về phép lịch sự khi ăn uống hay không?
Có một số quy tắc quan trọng cha mẹ cần lưu ý:
Cách cư xử bàn ăn cho trẻ nhỏ
1. Rửa tay trước khi ăn và giữ gìn khuôn mặt sạch sẽ.
2. Khi mọi người chưa ngồi, đừng bắt đầu ăn một mình. nếu thực sự cần ăn trước thì nên xin phép chủ nhà hoặc những người không có mặt.
3. Khen ngợi và cảm ơn người đã chuẩn bị thức ăn cho mình. Khi vào bữa ăn, có một số món mà có thể trẻ sẽ không thích. Tuy nhiên, cha mẹ cần dạy trẻ cách để từ chối khéo món ăn nếu được gắp cho và cách để không tỏ ý chê bai đồ ăn.
4. Không nói khi có thức ăn trong miệng.
5. Khi nhai thức ăn phải ngậm chặt miệng, khi uống canh không được phát ra tiếng động. Không ngậm đũa thìa vào miệng
6. Khi người khác đang nói, đừng ngắt lời hoặc cắt ngang. Nếu vô tình hắt hơi hoặc ho, hãy lấy khăn tay hoặc tay che miệng để tránh làm phiền người khác và nhớ xin lỗi sau đó.
7. Hãy nói "làm ơn" và "cảm ơn" khi nhờ người khác giúp đỡ (như đưa gia vị, bát đĩa…).
8. Vào bàn ăn, nên ngồi thẳng lưng, không được vặn vẹo, gây ồn ào. Hãy nhắc nhở trẻ và nghiêm khắc yêu cầu trẻ hoàn thành hết bữa ăn của mình rồi sau đó mới được chạy đi chơi.
9. Nếu muốn rời khỏi bàn trong bữa ăn, nên chào mọi người và nói "Con xin lỗi, con muốn...".
10. Sau khi ăn xong muốn rời bàn ăn cần được sự đồng ý của cha mẹ.
Cách cư xử trên bàn cho trẻ lớn hơn:
Ngoài những lưu ý ở trên, trẻ lớn còn cần chú ý những quy tắc khi ăn uống sau:
1. Khi ăn nên chú ý để dành thức ăn cho người khác, trừ khi họ nói rõ là không muốn ăn nữa, còn không thì đừng đổ hết thức ăn trên đĩa của mình.
2. Nếu chiếc bàn rất dài và không thể với tới, cố gắng đừng đứng thẳng hoặc vươn tay dài mà hãy nhờ ai đó đưa đĩa qua để gắp thức ăn.
3. Khi trẻ gắp thức ăn hay làm rơi vãi hoặc có thói quen đảo bới đĩa thức ăn, hãy chỉ cho chúng biết rằng không ai làm như vậy và chỉ cho trẻ đó là phép lịch sự tối thiểu khi ăn uống.
4. Trẻ lớn hơn nên thể hiện ý thức khi tham gia một bữa tiệc như: ngồi ngoan, chăm chú nghe người khác nói chuyện, khi cuộc trò chuyện liên quan đến bản thân, hãy kiên nhẫn trả lời. Thật là bất lịch sự khi chăm chú vào điện thoại di động mà không nói một lời nào.
5. Khi ăn, một tay cầm đũa, một tay bưng bát, không để tay dưới gầm bàn, cũng không chống khuỷu tay lên bàn.
5. Ăn xong nên chủ động giúp dọn dẹp, thu dọn.
Cha mẹ hãy chỉ ngay ra những thói xấu cụ thể trẻ thường xuyên mắc phải và chỉ ngay ra biện pháp yêu cầu trẻ sửa chữa. Làm mẫu và lặp đi lặp lại hằng ngày những nguyên tắc ứng xử nhỏ nhất trong ăn uống trẻ sẽ được khích lệ hình thành những thói quen tốt.
Cách cư xử trên bàn ăn không chỉ phản ánh sự tu dưỡng bản thân của một người mà còn giúp họ tiến tới một nơi cao hơn và xa hơn trong tương lai.