“Tôi bắt đầu ship hàng từ 8h sáng và kết thúc công việc khoảng 9 tối, có ngày muộn hơn. Năm nào cũng vậy, các đơn hàng ngày cận Tết tăng đột biến. Dù mệt nhưng cố gắng vậy, vì việc nhiều và thu nhập cũng ổn” - anh Cường, một shipper khu vực quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ.
Những ngày cao điểm Tết, mỗi ngày anh Cường giao hàng trăm đơn hàng
Trực ở sảnh khu chung cư trên địa bàn quận Thanh Xuân, anh Cường lúc nào cũng ôm đồm cả chục món hàng bên cạnh. Mặc dù tay phân loại các món hàng, nhưng vẫn không ngừng gọi điện thoại hẹn khách.
Anh Cường cho biết, trung bình mỗi ngày anh giao thành công từ 200 – 300 đơn hàng. Nhiều ngày vì quá bận, anh Cường chỉ kịp gọi bánh mỳ ăn qua bữa.
“Điện thoại lúc nào cũng trong tình trạng nóng máy, mỗi ngày tôi gọi hàng trăm cuộc. Vì quá bận, nhiều hôm tôi chỉ kịp ăn bánh mỳ qua bữa” – anh Cường nói thêm.
Tương tự, shipper khác có tên Nguyễn Văn Chiến cho biết, anh chạy xe không kịp nghỉ ngơi, trung bình mỗi ngày anh giao từ 200 - 400 đơn, gấp đôi so với ngày thường. Vào dịp Tết, nhiều cửa hàng tăng khuyến mãi, lượng đơn hàng tăng cao nên đội ngũ shipper làm việc không ngừng nghỉ. Với mỗi đơn hàng thành công, anh Chiến cho biết được trả công 3.500 đồng.
Quá nhiều đơn hàng ngày Tết, đa số shipper làm cả ngày không hết việc
Để tối ưu quãng đường, shipper thường nhận theo bưu cục, phụ trách từng khu vực nên việc giao hàng nhanh chóng, nhất là các tòa nhà chung cư.
"Đa số khách hàng ở chung cư, có khi mình giao cả chục đơn hàng tại một tòa nhà mỗi lần. Mình chỉ cần gọi điện đồng thời cho khách hoặc gửi đồ ở sảnh là xong, không tốn quá nhiều thời gian mà vẫn đảm bảo số lượng đơn hàng hoàn thành" - anh Chiến nói.
Với anh Thành – một shipper chuyên giao quà tặng Tết cho một cửa hàng online thì cho hay, ngày thường anh chạy cho một hãng giao hàng ăn nhanh, nhưng khoảng 1 tháng nay anh dừng chạy app và chạy hợp đồng cho cửa hàng quà tặng.
"Lượng khách đặt đơn hàng phục vụ Tết và làm quà biếu tăng mạnh những ngày cận Tết. Mỗi ngày, có hàng trăm đơn hàng cần giao. Là hàng quà tặng, tuy cồng kềnh chút nhưng giá vận chuyển những ngày này cũng cao hơn. Ngoài lương cứng 3 triệu/tháng chủ cửa hàng trả, thì trung bình mỗi đơn hàng khách phải trả thêm từ 30.000 - 50.000 đồng/chuyến. Do cần gấp nên đa số khách chấp nhận mức giá cao để hàng được chuyển đúng giờ và không đổ vỡ” – anh Thành nói thêm.
Nhiều người giao hàng bỏ túi từ 1 triệu - 1,5 triệu đồng mỗi ngày
Cũng theo anh Thành, trung bình anh giao từ 30 – 50 đơn mỗi ngày tương đương thu nhập từ 1 triệu - 1,5 triệu đồng. Trừ chi phí xăng xe, ăn uống, mỗi ngày anh Thành bỏ túi cả triệu đồng.
Anh Đặng Trung Hiến, chủ cửa hàng ăn uống quận Thanh Xuân (Hà Nội) thừa nhận, thời điểm giáp Tết việc tìm kiếm shipper giao hàng cho khách gặp nhiều khó khăn. Do tắc đường và quá tải đơn hàng, các shipper thường xuyên hủy chuyến. “Để đảm bảo kịp giờ ăn cho khách, cửa hàng mình phải nhờ 2 – 3 người thân trong gia đình làm shipper, có khi chấp nhận "bắt" xe ôm với giá tăng 30%-50% so với ngày thường” – anh Hiến nói.
Mặc dù có thu nhập tốt nhưng các shipper cho rằng, công việc này không hề dễ dàng. Shipper phải nắm rõ đường, thông thạo địa hình khu vực giao hàng, bởi nếu không biết đường rất mất thời gian.
Ngoài ra, người giao phải chú ý với các đơn hàng dễ vỡ, hỏng như thực phẩm, rượu,... Nếu không may làm hỏng một đơn hàng của khách, người giao phải đền cả triệu đồng là chuyện thường.
Đặc biệt, với các đơn hàng shipper phải ứng tiền thì cần lưu ý tiền giả, tính nhầm tiền hoặc lừa đảo mất đơn hàng.
“Mùa Tết cao điểm nên các chiêu trò lừa đảo khá phổ biến và tinh vi. Nếu đơn hàng lớn tiền triệu mà shipper phải bù thì không nên nhận”, anh Cường cho hay.
Theo Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), hàng hóa gửi qua bưu cục dịp Tết tăng đến 40%. Các dịch vụ giao hàng nhanh, giao hàng tiết kiệm cũng cho biết là đang quá tải trong dịp Tết, trường hợp khách giao hàng trong nội thành là còn đáp ứng được trước Tết, còn hàng giao đi tỉnh thì dịch vụ đã ngừng nhận từ 22 tháng chạp.