Bất động sản

Nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất bỏ bảo lãnh "bán nhà trên giấy"

Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, góp ý một số quy định của Dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến.

Trong đó, đáng chú ý là đề xuất xem xét bỏ quy định "bảo lãnh bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai" nhằm hạn chế một số bất cập, hạn chế. Tuy nhiên, đề xuất này nhận được nhiều ý trái chiều về tính khả thi.

Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, trong 7 năm thực hiện Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế như làm tăng giá thành, tăng giá bán nhà ở… Bởi khi thực hiện bảo lãnh, chủ đầu tư phải trả phí bảo lãnh ngân hàng khoảng 2% tổng giá trị tài sản bảo lãnh.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết: "Nếu một dự án có 1.000 căn hộ, mỗi căn có giá 3 tỷ đồng thì tổng giá trị tài sản phải bảo lãnh là 3.000 tỷ đồng. Nếu trả phí bảo lãnh này là 2%, doanh nghiệp phải mất chi phí trong 12 tháng là 60 tỷ đồng cho nên chủ đầu tư được phép tính vào giá vốn trong việc đầu tư vào dự án nhà ở này".

Nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất bỏ bảo lãnh bán nhà trên giấy - Ảnh 1.

HoREA đề xuất bỏ quy định ngân hàng bảo lãnh bán, cho thuê mua nhà ở tương lai. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, một số luật sư cho rằng quy định bảo lãnh trong việc bán, cho thuê nhà ở trong tương lai cần được thực hiện chặt chẽ nhằm bảo vệ quyền lợi cho bên mua. Đối tượng vốn thiếu thông tin thủ tục mua bán, tiến độ triển khai, quản lý dự án… Do đó, thông qua ngân hàng có thể bảo vệ người mua khi dự án không thực hiện hoặc triển khai không đúng tiến độ.

Luật sư Trần Minh Hải - Giám đốc Công ty Luật Basico cho hay: "Người mua một khi đã chuyển giao gần như toàn bộ số tiền mua trong khi chưa nhận về bất động sản và còn chờ trong tương lai thì điều người ta quan trọng hơn đó là việc thực thi nghĩa vụ của chủ đầu tư. Khi ngân hàng thực hiện bảo lãnh rủi ro đó sẽ chuyển giao từ người mua sang ngân hàng thì ngân hàng họ phải quản lý, chịu trách nhiệm về rủi ro tín dụng."

Các chuyên gia cho rằng, một sản phẩm nhà ở sẽ có 4 đơn vị tham gia gồm nhà đầu tư, ngân hàng, cơ quan quản lý nhà nước và người mua. Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người mua, các bên liên quan buộc phải tăng cường vai trò, trách nhiệm của mình. Trong đó, chủ đầu tư phải đảm bảo được các nghĩa vụ thực thi theo hợp đồng mua bán cũng như trách nhiệm đối với ngân hàng.

"Các khoản họ cho vay hoặc thu hộ cho các nhà đầu tư, thu hộ cho các nhà phát triển bất động sản thông qua việc đóng góp tiền theo tiến độ của người dân. Hoặc cơ quan quản lý nhà nước cần có những chế tài nhằm đảm bảo rằng các nhà phát triển bất động sản phải thực thi các nghĩa vụ của họ đối với trách nhiệm hợp đồng mua bán, giữa người tiêu dùng và người cung cấp dịch vụ, sản phẩm", Tiến sĩ Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nói.

Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, để bảo vệ quyền cho người mua nhà, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát hoạt động đầu tư, minh bạch thông tin dự án cho người mua nhằm xác định chủ đầu tư uy tín, có năng lực.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm