Ảnh cho thấy giai đoạn cuối của một kính thiên văn khổng lồ trong tương lai có thể được tạo bằng cách sử dụng chất lỏng
Về bản chất vật lý, đối với tầm quan sát của một kính thiên văn, kích thước là nhân tố quyết định. Kính thiên văn càng lớn thì khả năng thu thập ánh sáng càng lớn, từ đó cho phép các nhà khoa học có thể quan sát các vật thể ở xa chi tiết. Nói cách khác, kính thiên văn càng lớn sẽ cho ra tầm quan sát rõ và cụ thể hơn.
Tuy nhiên, kích thước lớn thì thời gian lắp đặt cũng như chi phí bỏ ra cũng sẽ lớn. Trên thực tế, NASA đã phải tốn 10 tỉ USD cho kính thiên văn James Webb (JWST), có kích thước xấp xỉ một sân tennis (21,18m x 14,17m). Đó là chưa kể đến việc vận chuyển vào không gian để tiến hành quan sát.
Với kính thiên văn từ chất lỏng, NASA hy vọng sẽ giải quyết được bài toán trên, khi nó giúp thời gian lắp đặt và chế tạo được giảm xuống, cũng như giúp các nhà thiên văn quan sát vật thể trong không gian chi tiết hơn.
Ông Edward Balaban, nhà khoa học tham gia dự án, giải thích: "Trong phạm vi trọng lực, chất lỏng có hình dạng hữu ích để chế tạo thấu kính và gương. Nếu chúng ta tạo ra chúng trong không gian, chúng có thể được sử dụng để chế tạo kính thiên văn lớn hơn đáng kể so với những loại kính trước đây".
Về thời gian chế tạo, trang web của NASA cho hay: "Quá trình chế tạo thấu kính bằng chất lỏng cho phép bỏ qua hoàn toàn quy trình cơ học như việc mài hoặc đánh bóng. Điều này có nghĩa là kính thiên văn làm từ chất lỏng chỉ mất một thời gian ngắn để chế tạo và hoàn thiện".
Theo ông Edward Balaban, nếu thí nghiệm thành công thì đây sẽ là lịch sử đối với khía cạnh quang học và chế tạo thấu kính khi nó giúp các nhà thiên văn phóng tầm nhìn xa hơn JWST, kính thiên văn hiện đại nhất hiện nay, tận 930.000 dặm (hơn 1,4 triệu km).