Chứng khoán

Dragon Capital: "Nhóm ngân hàng được dự báo tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhưng dòng tiền lại bỏ quên"

Dragon Capital vừa công bố báo cáo thị trường với nhiều điểm đáng chú ý. Theo báo cáo, Dragon Capital đánh giá tâm lý nhà đầu tư trong nước hiện đang giữ được sự lạc quan về triển vọng phục hồi của nền kinh tế. Tuy nhiên, sự tập trung cũng đang hướng về những đánh giá mức độ ảnh hưởng của các sự kiện bên ngoài tới Việt Nam.

Với tâm lý hiện tại, nhà đầu tư cá nhân ưa thích cổ phiếu có triển vọng tăng giá ngắn hạn bao gồm các doanh nghiệp xuất khẩu, vật liệu, hàng hóa, và nhóm bất động sản vốn hóa trung bình. Những tín hiệu tích cực về bức tranh lợi nhuận của nhóm này đang là động lực thu hút dòng tiền. Ngược lại, Ngân hàng, công nghiệp và nhóm cổ phiếu Bất động sản vốn hóa lớn giảm giá. Các trường hợp ngoại lệ là một số cổ phiếu thuộc danh mục quỹ Diamond ETF. Quỹ này đã niêm yết tại Thái Lan vào cuối tháng 3 và huy động thành công hơn 60 triệu USD, kéo chỉ số Diamond tăng 9% kể từ giữa tháng 3. Các cổ phiếu được hưởng lợi chính bao gồm FPT, tăng 14,1%, cùng với đó, MWG, PNJ và REE tăng 7-8%.

Tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng vào giai đoạn cuối tháng 3 khi hai lãnh đạo của công ty bất động sản bị khởi tố, bao gồm chủ tịch Tập đoàn FLC liên quan đến hành vi thao túng cổ phiếu, và chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh về việc công bố thông tin sai lệnh trong quá trình phát hành trái phiếu.

Dragon Capital đánh giá hai sự kiện này có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường trong một vài tuần tới, đặc biệt là đối với các cổ phiếu bất động sản có tính đầu cơ cao. Tuy nhiên, Dragon Capital không cho rằng các sự kiện này sẽ gây ra tác động lâu dài bởi thực tế, việc bắt giữ những cá nhân này sẽ giúp ích rất nhiều trong việc tăng tính minh bạch của thị trường, bảo vệ quyền lợi cổ đông và thúc đẩy nhà đầu tư hướng về nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt.

Mùa Đại hội cổ đông đang dần hé lộ bức tranh tích cực của năm 2022. Dragon Captial dự báo thận trọng về tăng trưởng lợi nhuận của các công ty, con số này vẫn đạt mức trung bình 15%. Nhóm Ngân hàng đạt 20-25%, vượt trội so với thị trường nhưng lại bị dòng tiền bỏ quên.

Dragon Capital đưa ra dự báo Top80 cổ phiếu danh mục quỹ lựa chọn sẽ tăng trưởng 23%, dựa trên sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế nội địa và sự miễn nhiễm với xung đột Nga – Ukraine. Giá cổ phiếu cũng sẽ dần phản ánh tăng trưởng lợi nhuận khi định giá P/E chỉ ở mức 11-12x.

Dragon Capital: Nhóm ngân hàng được dự báo tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhưng dòng tiền lại bỏ quên - Ảnh 1.

Rủi ro đến từ bên ngoài, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn có thể đạt từ 7% trở lên trong năm 2022

Kinh tế Việt Nam tiếp đà hồi phục và khởi sắc trong Quý 1 đạt mức 5%, cao hơn mức 4,7% và 3,7% của cùng kỳ năm 2021 và 2020. Lĩnh vực sản xuất vẫn tiếp tục là đầu tàu kinh tế, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, và là cơ sở cho sự tăng trưởng của hoạt động thương mại. Xuất khẩu tăng 13,4% đạt mức $89,1 tỷ và nhập khẩu tăng 15,2% đạt $87,6 tỷ, tương ứng với mức thặng dư $1,5 tỷ 3 tháng đầu năm. Ngành dịch vụ (tăng 4,6% so với cũng kỳ) đã đánh dấu cho sự trở lại ngoạn mục từ tháng 10 năm ngoái và Dragon Capital kỳ vọng dịch vụ trở thành động lực mới dẫn dắt kinh tế phục hồi trong thời gian tới, khi Việt Nam đã mở cửa lại các chuyến bay quốc tế và đặt mục tiêu đón hơn 5 triệu lượt khách nội địa trọng năm 2022.

Cũng theo Dragon Captial, sự phục hồi kinh tế có thể sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa nếu biến chủng Omicron không lan mạnh. Các dự án đầu tư cũng được kỳ vọng sẽ được nhanh chóng triển khai trở lại trong Quý 2 khi mà chuyến bay quốc tế được khôi phục trở lại và các hạn chế Covid cũng đang dần được gỡ bỏ.

Yếu tố rủi ro đến từ bên ngoài như căng thẳng địa chính trị và tái phong tỏa tại Trung Quốc. Hai sự kiện này đã làm tăng thêm rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, gia tăng giá hàng hóa và tác động đến lạm phát. Áp lực từ giá xăng dầu có thể sẽ được giảm tải bớt khi Chính phủ đã quyết định giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu (tương ứng mức giảm 6,7% trên giá). Tuy nhiên, vấn đề về chính sách zero Covid của Trung Quốc – quốc gia chiếm 24,8% tổng thương mại và 31% du khách nước ngoài của Việt Nam, có thể sẽ ảnh hưởng xấu tới các hoạt động xuất nhập khẩu linh kiện, đồ điện điện tử và sự phục hồi của ngành du lịch. Dragon Capital cho rằng mức độ nghiêm trọng của rủi ro này sẽ phụ thuộc vào việc Trung Quốc sẽ duy trì chính sách hiện tại trong bao lâu và sẽ điều chỉnh như thế nào trong thời gian tới.

Dragon Capital: Nhóm ngân hàng được dự báo tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhưng dòng tiền lại bỏ quên - Ảnh 2.

Bất chấp những sự biến động của toàn cầu, kinh tế Việt Nam vẫn có một khởi đầu vững chắc và ổn định trong quý 1. Sự ổn định vĩ mô của Việt Nam cũng được đánh giá rất cao bởi các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế uy tín, khi Fitch và Moody’s duy trì tín nhiệm ở mức BB và Ba3 với triển vọng tích cực. Sau khi làn sóng Covid qua đi, Dragon Capital tin rằng kinh tế Việt Nam có thể đạt 7,0% tăng trưởng năm nay, và nếu triển khai gói phục hồi kinh tế sớm và hiệu quả, tăng trưởng 8,6% là mục tiêu khả dĩ có thể đạt được.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm