Khi cơn sốt đất ở nhiều tỉnh, TP chưa có dấu hiệu dừng lại từ đầu năm 2022 đến nay, với việc TP Hà Nội chính thức công bố Đồ án quy hoạch phân khu đô thị ven sông Hồng, sông Đuống, khiến cho giới đầu cơ BĐS tiếp tục đứng ngồi không yên, cùng với đó là lượng lớn “cò” đất luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng vào cuộc.
TP Hà Nội chính thức công bố Đồ án quy hoạch phân khu đô thị ven sông Hồng
Khảo sát một số địa điểm ven sông Hồng như: Tây Hồ, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Sơn Tây,... cho thấy giá BĐS khu vực trên tăng cao hơn nhiều thời điểm cách đây khoảng một năm. Đơn cử, tại xã Đông Dư (huyện Gia Lâm), đất ở trong khu dân cư giáp tuyến đường làng rộng chừng 2 - 3m đang rao bán ngưỡng 40 triệu đồng/m2, tăng 25%; khu vực giáp đê sông Hồng, xã Tứ Hiệp (Thanh Trì) rao bán 50 triệu đồng/m2, trong khi cách đây một năm khoảng 35 - 40 triệu đồng/m2. Tương tự, các xã thuộc phân khu đô thị sông Hồng như Hải Bối, Vĩnh Ngọc, Xuân Canh… (huyện Đông Anh) mức giá cũng đang nằm ở ngưỡng 30 - 50 triệu đồng/m2, tùy vị trí.
Anh Tạ Vinh Quang - môi giới BĐS khu vực Đông Anh cho biết, một số mảnh đất gần bãi bồi ven sông thuộc địa bàn xã Xuân Canh (huyện Đông Anh), sau khi công bố đồ án quy hoạch đã tăng thêm 10 - 15%.
“Tôi vừa chốt bán cho khách một mảnh đất 50m2 với giá 2,2 tỷ đồng. Rất nhiều người đầu tư đất ở khắp các địa phương đang đổ về khu vực này, không chỉ đất thổ cư, dự án mà ngay cả đất nông nghiệp, phi nông nghiệp cũng được săn lùng và tăng giá mạnh.” - anh Quang thông tin.
Trước thực trạng này, các chuyên gia bất động sản và cơ quan chức năng cảnh báo người dân cần cẩn trọng, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định đầu tư.
Các chuyên gia cảnh báo người dân cần cẩn trọng, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định đầu tư
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Ba Đình Nguyễn Hồng Phong cho biết, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5.000 mới là bước đầu. Hiện, quận Ba Đình chưa điều tra, khảo sát tình trạng đất khu vực quy hoạch sông Hồng nên chưa có mốc giới cụ thể. Người dân cần thận trọng trước khi đầu tư.
Tương tự, chuyên gia về quy hoạch đô thị - thạc sĩ Trần Tuấn Anh cho rằng, Đồ án quy hoạch đô thị ven sông Hồng, sông Đuống đã được phê duyệt nhưng đây mới chỉ phê duyệt tỷ lệ 1/5.000, để đi vào triển khai cần tiếp tục nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết cho từng khu vực để phù hợp với điều kiện thực tế. Cho nên những người đầu cơ nếu nắm thông tin không chính xác thì rủi ro sẽ rất lớn.
“TP vẫn phải tiếp tục nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết các phân khu đô thị, khu vực chức năng công cộng... nếu chẳng may mua đất vào những vị trí này thì khả năng cao lợi nhuận đâu không thấy mà còn mất cả tiền đầu tư, phần bồi thường sẽ không nhiều vì đơn giá đền bù sẽ căn cứ vào bảng khung giá đất do Nhà nước quy định” - ông Trần Tuấn Anh phân tích.
Có thể thấy, ở nhiều quốc gia trên thế giới, BĐS ven sông được xem là món hàng xa xỉ. Việt Nam cũng không ngoại trừ, để sở hữu một căn nhà hướng nhìn ra sông hoặc chỉ ở gần sông người mua sẽ phải chi thêm gấp 2 - 3 lần giá tiền so với khu vực xung quanh, thậm chí nhiều vị trí còn có mức cao hơn.
“Nếu quy hoạch được triển khai đúng tiến độ, thị trường BĐS cũng như đời sống người dân khu vực này sẽ ổn định và nhiều cơ hội phát triển, thuận lợi trong quy hoạch xây dựng một TP đa năng trong thời gian tới. Khu vực phía gần sông Hồng sẽ xây dựng những con đường, quảng trường, nhà cửa, phố xá hướng ra sông... từ đó sẽ hút mạnh nhà đầu tư trong và ngoài nước” - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nhìn nhận.
Tuy nhiên, đối với đồ án quy hoạch ven sông Hồng hiện vẫn đang tiếp tục chờ quy hoạch chi tiết và xây dựng hạ tầng giao thông, kỹ thuật khác nên BĐS vẫn chưa thể sinh lời nhanh. Do vậy đầu tư "lướt sóng", xuống tiền theo thông tin quy hoạch hay cơn sốt sẽ gặp nhiều rủi ro.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam thì việc đầu tư vào BĐS ven sông Hồng phục vụ nhu cầu thực và dài hạn rất ít, do vậy giá sẽ chỉ tăng một thời gian rồi sẽ nhanh chóng trở về mức cũ. “Vì vậy, nhà đầu tư cần tỉnh táo trước thông tin về quy hoạch, sốt ảo, bởi đã có rất nhiều nhà đầu tư bị nhấn chìm trong các cơn “sốt đất ảo” hay bởi thông tin ăn theo quy hoạch." - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhấn mạnh.