Dự định của chị Vân Anh (27 tuổi, Hà Nội) muốn đưa con du xuân đầu năm tại Phú Quốc. Tuy nhiên, vì không sắp xếp được lịch dài ngày nên mẹ trẻ quyết định dành hẳn 2 ngày cho con vui chơi tại Hà Nội. 2 mẹ con đi thăm họ hàng, sau đó là trải nghiệm hái dâu tại nông trại và thăm Bảo tàng Dân tộc học.
Chị Vân Anh chia sẻ: "Trong tất cả các dịp đi chơi, mình luôn hướng con tới những hoạt động trải nghiệm gần thiên nhiên, hoặc các giá trị truyền thống. Mình gần như không bao giờ cho con đi nhà bóng hoặc các chỗ trải nghiệm trong nhà vì vấn đề vệ sinh không đảm bảo và cũng không đem lại cho con giá trị gì ngoài niềm vui nhất thời.
Trước khi đi mình không cần chuẩn bị gì nhiều, vì nhà mình luôn có sẵn một ngăn kéo để đồ picnic riêng trong nhà, mỗi tuần sẽ kiểm tra lại ngăn kéo xem có thiếu gì không để bổ sung. Như vậy, mỗi lần đi sẽ không phải chạy ngược chạy xuôi để kiểm tra đồ đạc mà chỉ cần lấy đồ từ ngăn kéo bỏ vào balo là xong.
Đồ trong ngăn picnic bao gồm: Cốc đĩa giấy để mang đi cho con chơi hoặc ăn uống, đồ cá nhân (khẩu trang, bít tất, bỉm), đồ sơ cứu và thuốc (xịt vết thương, kem bỏng, kem bôi vết thương hở chống khuẩn, urgo, xịt muỗi, nhiệt kế, thuốc hạ sốt, kem chống nắng), đồ vệ sinh (khăn giấy khô, khăn giấy nén, xịt rửa tay khô, xà phòng giấy), quần áo dự phòng, túi nilon đựng đồ bẩn và một ít đồ chơi nhỏ gọn mang đi cho con (mình có thiết kế hộp đồ chơi đa năng cho Sóc)".
Bé gái ở giữa là con gái chị Vân Anh. Cô bé được mẹ cho đi nhiều nơi để khám phá những điều mới lạ trong cuộc sống.
Mặc dù chỉ đi chơi có 2 ngày ngắn ngủi trong thành phố, nhưng bé Sóc nhà chị Vân Anh đã được học hỏi và khám phá rất nhiều điều thú vị. Khi đến vui chơi tại nông trại, con được trải nghiệm công việc của người nông dân như thu hoạch táo, nhổ củ đậu, hái cà chua và cho động vật ăn. Con đã biết cách phân biệt các loại củ quả xanh và chín để thu hoạch. Bé cũng biết cách đào đất để nhổ củ đậu mà tránh đâm vào củ. Khi cho động vật ăn, con cũng biết đưa đồ ăn cho dê, cừu, lợn, thỏ một cách khéo léo.
Bên cạnh đó, cô bé được mẹ dạy cho cách đối nhân xử thế, biết duy trì mối quan hệ thân thiết với mọi người. Mẹ trẻ cho hay: "Điều đầu tiên mà Sóc được dạy đó là: Luôn luôn tôn trọng những con người ở đây, dù người ta là chủ hay là nhân viên. Mình chưa từng phân biệt cho con điều này, bởi mình muốn con thấy trách nhiệm của mỗi người là ngang nhau. Con sẽ luôn cảm ơn, luôn chào hỏi, luôn xin lỗi với tất cả mọi người. Lần này, Sóc có nhờ bà trông vườn hái cà chua cho, và con đã chủ động cảm ơn bà. Sóc cũng sẽ dọn bàn sạch sẽ và lau sạch bàn sau khi ăn uống. Đồ gì có thể vứt vào thùng rác thì vứt luôn, còn đồ gì để các cô chú thu dọn thì phải để gọn lại. Đúng là công việc của các cô chú là thu dọn, nhưng không có nghĩa là con có thể bày mọi thứ ra và để các cô chú ra "hầu".
Cô bé có trải nghiệm thu hoạch nông sản của các bác nông dân.
Khi đến nông trại, điều thứ 2 mà mình luôn dạy con là tôn trọng động vật. Con sẽ không ném cỏ cho động vật, con không đạp vào động vật và không cầm bất cứ đồ gì ném/quăng vào động vật. Sóc cũng từng làm theo một vài bạn tại đó ném cả nắm cỏ cho cừu ăn, và mình đã dặn con lại. Từ đó đến giờ, Sóc đã luôn chủ động chào và cầm từng ngọn cỏ cho các bạn ăn. Nhà mình cũng nuôi 3 bạn mèo, và việc cho mèo ăn Sóc cũng đã làm thường xuyên. Nhưng dê và cừu là những động vật lớn hơn, các bạn ít nhiều sẽ có phần hơi sợ. Với Sóc, mình sẽ chủ động sờ trước. Con cũng sẽ quen dần với việc nhìn các bạn động vật để nhận biết xem bạn có thoải mái không và con cân nhắc hành động tiếp theo của mình.
Ngoài ra cô bé được mẹ dạy tôn trọng và yêu thương động vật.
Điều thứ 3 là mình muốn con học là có trách nhiệm với những gì mình làm. Khi đi nông trại, việc các con lỡ hái quả xanh hay vặt mất một vài cây rau non là điều không tránh khỏi. Nhưng nếu lỡ hái thì con cũng cần mang ra chỗ bác trông vườn và nói thật về điều đó thay vì vứt, giấu đi. Hôm đó nhà mình đi đào củ đậu. Vì hai mẹ con không hề có kinh nghiệm phân biệt củ đậu non hay già, nên nhà mình có lỡ đào một củ non, Sóc cũng biết là củ non, nhưng con cũng đã bỏ vào giỏ để ra tính tiền, thay vì vứt lại vườn như người khác. Sau lần đó thì hai mẹ con cũng đã có kinh nghiệm nhổ củ đậu hơn".
Sau chuyến đi, mẹ trẻ cảm thấy vui mừng, hạnh phúc khi con gái trưởng thành hơn. Cô bé hiểu rằng, trong chuyến đi chơi này, ai cũng cần được tôn trọng. Lòng cảm thông và thấu hiểu là điều quan trọng nhất mà cô bé Sóc học được trong chuyến đi này.