Bộ Xây dựng mới đây ra Thông cáo 12/TC-BXD về việc công bố thông tin nhà ở và thị trường bất động sản quý IV/2022 và cả năm 2022. Tình hình chung là các dự án mới được cấp phép tiếp tục giảm so với năm 2021 khiến nguồn cung bất động sản, nhà ở đặc biệt là nhà cho người thu nhập thấp vẫn còn hạn chế.
Với phân khúc nhà ở thương mại, cả nước trong năm qua có 126 dự án với 55.732 căn hộ được cấp phép – tương đương 52,7% so với năm 2021. Số dự án đang được triển khai xây dựng là 466, chỉ bằng khoảng 47,7% so với năm 2021. Ngoài ra, có 91 dự án đã hoàn thành, tương đương 55,2% so với năm 2021.
Phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở công nhân lần lượt có 9 và 2 dự án được cấp phép trên cả nước, quy mô căn hộ tương ứng là 5.526 và 1.729. Đáng chú ý, số dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng được cấp phép trên cả nước chỉ có 12, tương đương 23% so với năm 2021.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đánh giá khả năng hấp thụ của thị trường năm 2022 tốt hơn năm 2021. Khi nhu cầu đầu tư và mua sử dụng của người dân vẫn cao, các phân khúc chung cư, nhà riêng lẻ, đất nền hầu như không phát sinh lượng tồn kho và có tính thanh khoản tốt.
"Hiện nay, lượng tồn kho bất động sản hầu như chỉ có ở phân khúc căn hộ, nhà ở cao cấp, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và đặc biệt là đối với các dự án ở vị trí có điều kiện hạ tầng không thuận lợi và thuộc về nhà đầu tư thứ cấp", thông cáo của Bộ Xây dựng cho hay.
Về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản , theo số liệu thống kê của Cục Đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm 2021, lần lượt ở mức 13,7% và 56,7%. Tuy nhiên, số doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể cũng tăng khoảng 38,7% so với cùng kỳ năm trước.
"2022 vẫn là năm các doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều thách thức và phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý (như tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, dừng triển khai các dự án mới…) để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại", Bộ Xây dựng nhận định.
Những thách thức được nêu ra là khó khăn về vốn; lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng dẫn đến chi phí của doanh nghiệp cũng tăng cao; thiếu dòng tiền để trả cho doanh nghiệp cung ứng và trả lương người lao động.
Ngoài ra, việc khách hàng mua bất động sản khó tiếp cận vốn vay gián tiếp ảnh hưởng đến thanh khoản các sản phẩm. Thêm vào đó, việc các doanh nghiệp gặp khó khăn trong phát hành trái phiếu và huy động vốn dẫn đến nguy cơ nhiều doanh nghiệp không có khả năng thanh toán, trả nợ đúng hạn.
Để đảm bảo thị trường bất động sản trong thời gian tới tiếp tục phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, Bộ Xây dựng đã đề xuất một số giải pháp, nhiệm vụ. Đối với các Bộ, ngành, địa phương, nhiệm vụ chung là tiếp tục khẩn trương thực hiện nghiêm, có hiệu quả những nhiệm vụ được giao tại các chỉ thị, nghị quyết, công điện, kết luận của Chính phủ.
Theo chức năng nhiệm vụ được giao, các Bộ, ngành và địa phương cũng cần đôn đốc tháo gỡ khó khăn trong triển khai thủ tục pháp lý các dự án bất động sản, đồng thời đẩy mạnh việc công khai, minh bạch các thông tin, nhất là kịp thời phổ biến các chính sách, quy định, giải pháp mới của Nhà nước về tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu, tình hình thị trường bất động sản.