Chiều 30/1, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 cho thấy tổng tài sản tại ngày cuối năm vừa qua là 170.336 tỷ đồng.
Tài sản cố định chiếm tỷ trọng 41,6%, tương ứng với giá trị 70.833 tỷ đồng và là khoản mục lớn nhất trong cơ cấu tài sản của Hòa Phát. Biểu đồ sau đây cho thấy các khoản mục quan trọng tiếp theo lần lượt là hàng tồn kho, tiền gửi ngắn hạn, tài sản dở dang dài hạn, phải thu ngắn hạn và tiền mặt.
So với ngày đầu năm, tài sản của Hòa Phát giảm 7.900 tỷ. Nếu so với đỉnh lịch sử 207.497 tỷ vào ngày giữa năm 2022, mức giảm lên tới gần 37.200 tỷ.
Giá trị tài sản cố định không biến động nhiều trong 6 tháng cuối năm vừa qua. Tiền gửi ngắn hạn và tài sản dở dang dài hạn cùng tăng nhẹ. Như thể hiện trong biểu đồ bên dưới, hàng tồn kho cùng với tiền và tương đương tiền là các khoản mục giảm sút mạnh nhất, sau đó là phải thu ngắn hạn.
Cụ thể trong 6 tháng cuối năm 2022, hàng tồn kho của Hòa Phát giảm khoảng 23.000 tỷ, tương đương tỷ lệ 40%. Tiền và tương đương tiền sa sút 11.500 tỷ đồng, tức 57%; phải thu ngắn hạn sụt hơn 4.400 tỷ đồng, tương ứng 35%.
Hàng tồn kho của Hòa Phát đi xuống trong bối cảnh nhu cầu trên toàn ngành thép suy yếu.
Riêng tháng 12 vừa qua, Hòa Phát tiêu thụ 558.000 tấn thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC), giảm 18,2% so với cùng kỳ 2021. Lũy kế cả năm 2022, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long tiêu thụ 7,2 triệu tấn thép các loại, giảm 7% so với năm trước.
Số liệu tổng hợp từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy sản lượng bán hàng thép trong 6 tháng cuối năm ngoái đạt gần 12,1 triệu tấn, giảm 12% so với cùng kỳ 2021. Biểu đồ sau đây cho thấy tiêu thụ thép xây dựng và ống thép tăng lên nhưng không đủ để bù lại đà giảm sâu của thép cuộn cán nóng, thép cuộn cán nguội và tôn mạ.
Trong bối cảnh cung vượt quá cầu, Tập đoàn Hòa phát đã phải ra quyết định khó khăn là tạm thời đóng cửa bớt 5/7 lò cao luyện thép vào tháng 11 và tháng 12.
Mỗi lần khởi động lại một lò cao mất 5 – 7 ngày và tiêu tốn khoảng 30 - 40 tỷ đồng nên doanh nghiệp sản xuất thép coi đóng lò cao là biện pháp cuối cùng khi không còn khả năng tích trữ tồn kho thành phẩm hoặc cần phải bảo dưỡng, nâng cấp lò.
Chuyên gia phân tích của Chứng khoán SSI lo ngại việc hoạt động dưới công suất tối đa có thể ảnh hưởng tới biên lợi nhuận của Hòa Phát trong năm 2023.
Hòa Phát thì nhận định ngành thép đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà hồi phục. Tập đoàn đã và đang theo dõi sát diễn biến thị trường để điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh một cách linh hoạt.
Báo cáo tài chính mới công bố chiều nay 30/1 cho thấy khoản lỗ sau thuế 1.999 tỷ đồng trong quý IV. Thông tin này đã được Hòa Phát gửi đi vào chiều 19/1, trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Số lỗ quý IV đã vượt qua quý III để trở thành khoản lỗ lớn nhất trong lịch sử 30 năm hoạt động của Hòa Phát.
Tổng cộng trong hai quý cuối năm, Hòa Phát lỗ 3.785 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2022, tập đoàn vẫn có lãi sau thuế 8.444 tỷ đồng, góp phần đưa vốn chủ sở hữu lên mức 96.113 tỷ, tăng gần 6% so với đầu ngày đầu năm.
Trong năm vừa qua, Hòa Phát cũng tập trung trả bớt nợ, đặc biệt là các khoản phải trả người bán. Tổng nợ phải trả tại ngày 31/12 là 74.223 tỷ đồng, giảm hơn 13.200 tỷ so với đầu năm. Thống kê bên dưới cho thấy tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản của Hòa Phát tại ngày 31/12/2022 là 44%, mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.