ChatGPT là một chatbot do Open AI phát triển, được ra mắt vào ngày 30/11/2022. Chỉ 2 tháng sau, ChatGPT cán mốc 100 triệu người dùng, trở thành ứng dụng có tốc độ phát triển nhanh nhất trong lịch sử. TikTok - nền tảng chia sẻ video đình đám của ByteDance cũng cần tới 9 tháng sau khi phát hành toàn cầu để đạt thành tích này.
Trong buổi workshop về những cơ hội và thách thức của ChatGPT do Navigos Search tổ chức gần đây, ông Lê Văn Thành – Kiến trúc sư giải pháp Google Cloud chỉ ra điểm đặc trưng của chatbot này trước hết nằm ở tính hội thoại 2 chiều, hoàn toàn khác biệt so với các công cụ tìm kiếm một chiều trước đây
“ Điểm thứ hai tôi cực kỳ thích là tính đơn giản. Nếu sử dụng những công cụ tìm kiếm như Google Search hay Bing, người dùng sẽ bị ngập trong hàng chục, hàng trăm trang trả lời. Riêng ChatGPT, chưa tính đến đúng sai, nó sẽ đưa ra chỉ một câu trả lời ”, ông Thành bày tỏ.
Hai điều này dẫn đến đặc điểm thứ ba của ChatGPT là tính thách thức. So sánh với TikTok, ông Thành đánh giá hiệu ứng ChatGPT tạo ra không giống ứng dụng video đang “làm mưa làm gió” này. TikTok chỉ tạo ra tính trào lưu, trong khi ChatGPT khiến Google hay Microsoft phải bắt tay vào hành động.
Ông Thành phân tích thêm rằng công nghệ của ChatGPT không quá mới. Tính đột phá nằm ở mô hình kinh doanh, đem lại trải nghiệm tốt cho người dùng, trong khi Google hay Microsoft có mô hình kinh doanh phụ thuộc vào quảng cáo. Tình huống này gây ra sức ép buộc tất cả những hãng công nghệ khác phải thay đổi.
Đề cập tới những lợi ích của ChatGPT, ông Thành thừa nhận bản thân sử dụng khá thường xuyên. Chatbot này có thể trở thành trợ lý soạn giúp email, sửa CV, hay viết một văn bản tiếng Anh nào đó.
“ChatGPT có lượng dữ liệu được huấn luyện rất nhiều. Nhà phát triển đã âm thầm thu thập từ 2017-2018 tới bây giờ. Thuật toán của họ cũng khác biệt khi có hơn 1 tỷ tham số vào, khiến câu trả lời mượt như người thật ”.
“ Thậm chí tôi thấy ChatGPT có cả EQ (trí tuệ cảm xúc). Nếu chat rằng “câu trả lời của bạn không đúng lắm” và đề nghị xem lại, ChatGPT sẽ xin lỗi và chỉnh lại câu trả lời. Tôi thấy không có công cụ nào trên thị trường so sánh được với ChatGPT về độ thảo mai ”, chuyên gia của Google Cloud nhận xét.
Ông Lê Văn Thành – Kiến trúc sư giải pháp Google Cloud. Ảnh: LinkedIn.
Nguy cơ gây ra hệ lụy như TikTok
Bất chấp tính ứng dụng cao của ChatGPT, ông Thành lo ngại chatbot này sẽ tạo ra hệ lụy xấu cho thế hệ tiếp theo.
“ Trước đây, khi tìm hiểu kiến thức nào đó, chúng ta sẽ dành hàng giờ trên YouTube và hiểu được kha khá vấn đề. Tuy nhiên, các video giờ đây rút xuống còn khoảng 30 giây – 1 phút, khiến người dùng cho rằng chỉ cần bỏ chừng đó thời gian để nắm ý chính của vấn đề, nhưng họ lại không hiểu sâu ”.
“ Vì vậy, tôi thấy một hệ lụy của ChatGPT – cũng là đặc điểm của giới trẻ hiện nay – là không đủ kiên nhẫn đọc một bài hay xem một video quá dài. Xem phim cũng chỉ cần biết cái kết là xong. Một kiến thức chỉ cần 3 gạch đầu dòng. Cá nhân tôi thấy điều đó có thể tạo ra hệ lụy tiếp theo giống TikTok, là làm chúng ta ngộ nhận rằng mình có thể nhanh chóng biết một vấn đề gì đấy, nhưng thực ra không hiểu sâu, tức là không hiểu gì lắm ”, ông Thành nêu quan điểm.
Một mặt trái khác của ChatGPT liên quan đến cơ hội việc làm trong tương lai. Giới trẻ giờ đây học tập dễ hơn nhờ một trợ lý “hỏi gì cũng biết” ngay bên cạnh. Tuy nhiên, nó đồng thời khiến các công việc ngày một khó hơn, bởi mọi người sẽ phải tìm cách tư duy vượt người khác.
“ Ngày xưa, việc cộng trừ nhân chia đã có máy tính làm hộ, giờ lại có ChatGPT. Sau này sẽ không cần tới những nhân sự làng nhàng bậc trung nữa, mà cần những người tư duy cao. Những ai bị tụt lại phía dưới sẽ bị đào thải ”, ông Thành bày tỏ. “ Tất cả những người làm việc theo lối mòn như một cái máy sẽ bị máy móc thay thế ”.
“ Bây giờ ChatGPT hỏi gì cũng đáp, lại trả lời một cách vui vẻ, những giáo viên không truyền được lửa để học sinh tiếp thu và tư duy sẽ bị thay thế. Ngược lại, những giáo viên tâm huyết liên tục cải tiến bài giảng, thay đổi cách thức để học sinh hứng thú hơn, đồng thời rèn luyện cách tư duy cho học sinh không những luôn luôn tồn tại, mà còn phát triển mạnh hơn nữa ”, vị chuyên gia lấy ví dụ.
Ông còn chỉ ra rằng ChatGPT thực sự sẽ gây khó khăn đối với các sinh viên tốt nghiệp trong những năm tới. Khi mới ra trường, người lao động chỉ làm được những việc đơn giản, mà những việc này lại bị máy chiếm hết. Vì thế, họ không có cơ hội làm việc để tích lũy kinh nghiệm, từ đó phát triển tư duy cao. Thách thức nằm ở điểm này.