Nhiều người quan niệm, ba mươi là độ tuổi cần có trong tay công danh sự nghiệp và gia đình hạnh phúc, nhưng hiện thực lại phũ phàng. Ở tuổi 30, một số người không chỉ chưa có thành công hay danh vọng, mà thậm chí cả tiền tiết kiệm cũng không có.
Tiền tiết kiệm bằng 0, sự nghiệp chưa ổn định, vậy cuộc đời bạn đã thực sự vô vọng ở tuổi 30? Dĩ nhiên là không.
Tỷ phú, doanh nhân người Trung Quốc Jack Ma (Mã Vân) là một cái tên quen thuộc với nhiều người. Ông từng là người giàu nhất Châu Á với vai trò Chủ tịch Tập đoàn Alibaba, người sáng lập Taobao và Alipay. Mã Vân có tài sản trị giá hơn 100 triệu NDT và đã đạt được tự do tài chính từ rất lâu.
Nhưng mọi người chỉ nhìn thấy sự hào nhoáng và thành công của ông chủ Mã ở giai đoạn sau này, mà ít ai biết rằng tỷ phú đình đám một thời này khi ở tuổi 30 vẫn chưa có gì. Khởi nghiệp nhiều lần thất bại, thậm chí còn nợ nần chồng chất. Mãi đến năm 35 tuổi, ông mới thành lập Alibaba và gặt hái được thành công.
Bodo Schaefer, tác giả cuốn "Puppy Money", đã viết một câu trên bìa cuốn sách "Road to Financial Freedom" rằng: Kiếm 10 triệu đầu tiên của bạn trong vòng 7 năm.
Trước đó, tác giả nổi tiếng này từng rơi vào khủng hoảng tài chính cá nhân năm 26 tuổi. Mãi đến năm 30 tuổi mới bắt đầu thoát khỏi nợ nần và sau 35 tuổi mới thực sự có được thành công.
Thực tế đã chứng minh rằng có rất nhiều người không có tiền tiết kiệm ở tuổi 30, và bạn không phải là người duy nhất. Bắt đầu thay đổi tư duy làm giàu ở tuổi này, bạn vẫn có thể đạt được số tiền khổng lồ để tiết kiệm mỗi năm. Không bao giờ là quá muộn để thay đổi và làm giàu cho cái ví của mình. Nếu trước đây bạn luôn cố gắng để tiết kiệm nhưng vẫn không dư được khoản nào thì nên nhớ rằng tăng thu giảm chi là chưa đủ. Hãy thử thực hiện đầy đủ 4 bước đơn giản dưới đây để thay đổi cuộc sống của bạn:
1. Tiết kiệm 10-30% thu nhập của bạn
Một người giàu có không phụ thuộc vào việc anh ta kiếm được bao nhiêu mà phụ thuộc vào số tiền anh ta có thể tiết kiệm được. Cũng giống như hồ chứa, nếu trong hồ chỉ có nước ra mà không có nước vào, thì cho dù có dòng nước ổn định chảy vào thì cuối cùng cũng sẽ chảy ra ngoài. Hồ chứa sẽ chỉ đầy nếu nước vào nhiều hơn nước chảy ra.
Việc tiết kiệm tiền cũng vậy, chỉ khi bạn tiết kiệm được một phần thu nhập thì trong tài khoản mới có tiền tiết kiệm.
Giả sử bạn chỉ cần tiết kiệm 10-30% thu nhập của mình từ bây giờ, bạn sẽ có một con ngỗng vàng đẻ trứng trong tương lai. Trên thực tế, không cần biết thu nhập hiện tại của bạn là bao nhiêu, quan trọng là bạn có muốn tiết kiệm tiền hay không mà thôi.
Tiết kiệm 10% sẽ không tạo ra nhiều khác biệt so với cuộc sống ban đầu của bạn. Nhưng nó có thể cho bạn cơ hội trở nên giàu có sau này, nên tại sao lại không làm?
2. Đầu tư số tiền tiết kiệm được với lãi kép
Một số nhà đầu tư có thể cảm thấy nghi ngờ vì lãi kép có thực sự mạnh mẽ như vậy không?
Nhưng thật vậy, quy luật lãi kép thực sự rất mạnh mẽ. Làm một phép tính đơn giản, nếu bạn bắt đầu đầu tư vào quỹ số tiền 200 NDT mỗi tháng từ năm 30 tuổi và tỷ suất lợi nhuận hàng năm là 12%, khi bạn 65 tuổi, bạn sẽ có 1,05 triệu NDT, trong khi vốn bỏ ra rất ít.
Tiểu Ngũ có con gái hiện đang học lớp 3 nên muốn tiết kiệm một khoản tiền cho việc học của con gái mình trong 9 năm sắp tới. Thông qua tính toán, cứ mỗi tháng, Tiểu Ngũ gửi số tiền cố định hàng tháng là 700 NDT và tỷ lệ hoàn vốn hàng năm là 10%, thì cô ấy có thể có 120.000 NDT cho quỹ giáo dục trong 9 năm tới.
Đây chính là sự kỳ diệu của lãi kép. Vì vậy, khi có tiền tiết kiệm, cách tốt nhất là đầu tư theo lãi kép, để tiền sinh ra nhiều tiền hơn.
3. Nỗ lực tăng thu nhập
Thu nhập càng cao, bạn càng tiết kiệm được nhiều tiền. Tiểu Ngũ ngày trước cũng chỉ làm việc trong một nhà máy, sau đó cô ấy tiết kiệm được một số tiền để bắt đầu kinh doanh. Đến năm 35 tuổi cô ấy đã gặt hái được thành công, xí nghiệp làm ăn hiệu quả, thu nhập không ngừng tăng, vậy nên mục tiêu phải tiết kiệm 700 NDT hàng tháng cho quỹ giáo dục không còn là áp lực, thậm chí cô ấy còn có thể tiết kiệm được nhiều hơn số tiền ấy rất nhiều. Đây là minh chứng cho thấy bạn càng tiết kiệm được nhiều tiền thì đầu tư lãi kép càng hiệu quả.
4. Tỷ lệ tiền tiết kiệm tăng 10% mỗi lần tăng lương
Số tiền tiết kiệm không phải là một hằng số. Với kế hoạch tiết kiệm 10% thu nhập hàng tháng, người có lương thấp rõ ràng sẽ tiết kiệm được ít hơn một chút so với người có lương cao.
Mỗi lần tăng lương đều có thể làm tăng tỷ lệ tiết kiệm, chẳng hạn tỷ lệ tiết kiệm được tăng lên 20% ở lần tăng lương đầu tiên, 30% ở lần tăng lương thứ hai và 40% ở lần tăng lương thứ ba. Sau đó, số tiền tiết kiệm của bạn sẽ tự nhiên tăng lên và thậm chí giúp bạn sớm đạt được tự do tài chính.
(Theo Eastmoney)