Doanh nghiệp

Điểm danh resort, khách sạn sang xịn nguy cơ "bay màu" trên sàn chứng khoán

Nghị định 55 quy định rõ các trường hợp cổ phiếu công ty đại chúng sẽ bị huỷ bỏ niêm yết bắt buộc, trong đó có việc kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Thực tế, sàn chứng khoán thời gian qua chứng kiến sự giã từ nhiều chủ sở hữu của khách sạn, resort. Sau 2 năm thiệt hại nặng nề vì COVID-19, không ít cái tên cũng đang ngấp nghé nguy cơ này.

Do cảnh lỗ lũy kế kéo dài chưa khắc phục được, cổ phiếu NVT của Công ty CP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay vẫn còn trong diện bị cảnh báo vì lỗ từ năm 2018 đến nay. Cuối năm 2022, lỗ lũy kế của doanh nghiệp đang ở mức 742 tỷ đồng.

Điểm danh resort, khách sạn sang xịn nguy cơ bay màu trên sàn chứng khoán - Ảnh 1.

NVT sở hữu danh mục các khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất Việt Nam với dự án nổi tiếng "sang xịn" Six Senses Ninh Vân Bay.

Đều đặn cứ sau mỗi quý tài chính, NVT lại có giải trình để đưa ra biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo. Tuy vậy, những nội dung này cứ lặp đi lặp lại như xây dựng chiến lược phù hợp, cắt giảm chi phí... trong khi mã chứng khoán này vẫn duy trì trong diện cảnh báo của HoSE.

Với việc làm ăn thua lỗ, nếu tình trạng cổ phiếu NVT cứ là đà duy trì ở thị giá thấp thì cũng chẳng có điều gì bất ngờ. Duy nhất là giai đoạn cuối tháng 3 năm 2022, sau thông tin Tasco (HUT) sẽ đầu tư vào Ninh Vân Bay, cổ phiếu NVT bất ngờ thăng hoa.

Tăng dần thị giá từ giữa tháng 3, tăng trần hàng chục phiên liên tiếp và đạt đỉnh ở ngưỡng gần 35.000 đồng/cổ phiếu. Ngay sau đó, NVT lập tức lao dốc, mô hình cây thông được tạo lập chỉ trong vòng 1 tháng. Đến giữa tháng 4, thị giá của NVT rớt xuống ngưỡng 14.000 - 16.000 đồng, có lúc rơi xuống mốc 5.000 đồng/cổ phiếu và đến nay, NVT chỉ còn giá trị dưới mệnh giá.

Vẫn chưa rõ Ninh Vân Bay sẽ cải thiện lợi nhuận của doanh nghiệp bằng chiến lược cụ thể gì, tuy nhiên với khoản lỗ lũy kế còn rất "khổng lồ", nhà đầu tư có lẽ sẽ còn khá lâu mới thấy cảnh NVT thoát khỏi danh sách bị cảnh báo. Hiện NVT sở hữu danh mục các khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất Việt Nam với dự án nổi tiếng sang xịn Six Senses Ninh Vân Bay.

Ngoài Six Senses Ninh Vân Bay, NVT còn sở hữu dự án Ana Mandara Villas Dalat Resort & Spa (TP. Đà Lạt) đã có lịch sử gần trăm năm với không gian cổ kính và lãng mạn.

Điểm danh resort, khách sạn sang xịn nguy cơ bay màu trên sàn chứng khoán - Ảnh 2.

Dự án Ana Mandara Villas Dalat Resort & Spa nổi tiếng ở Đà Lạt.

Trước đó, Công ty Biệt thự và Khách sạn Biển Đông Phương - chủ sở hữu và trực tiếp vận hành khách sạn Sheraton Grand Danang Resort - một trong những khách sạn 5 sao có quy mô lớn nhất thành phố biển miền Trung phải ngậm ngùi rời sàn chứng khoán sau chuỗi ngày dài thua lỗ.

Rời khỏi sàn chứng khoán, chủ resort nổi tiếng này "ôm" khoản lỗ luỹ kế hơn 480 tỷ đồng. Thời điểm đó, Ban lãnh đạo khách sạn cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình kinh doanh của lĩnh vực dịch vụ lưu trú nói chung và Sheraton Đà Nẵng nói riêng những tháng qua bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Điểm danh resort, khách sạn sang xịn nguy cơ bay màu trên sàn chứng khoán - Ảnh 3.

Đơn vị vận hành khách sạn Sheraton Grand Danang Resort ngậm ngùi rời khỏi sàn chứng khoán.

Chưa bao giờ thua lỗ trước khi COVID-19 xảy ra nhưng Công ty Cổ phần Du lịch Dịch vụ Hội An - đơn vị vận hành khách sạn Hội An nổi tiếng cũng đang đối mặt với khả năng hủy niêm yết bởi lợi nhuận âm kéo dài. Trong đó, năm 2020, công ty đã lỗ khoảng 23 tỷ đồng và năm 2021 tiếp tục lỗ gần 21 tỷ đồng. Sang 2022, lỗ gần 19 tỷ đồng. Lỗ luỹ kế công ty đến cuối năm 2022 là gần 65 tỷ đồng.

Công ty này mới đây đã phải báo cáo Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) phương án khắc phục tình trạng cổ phiếu có khả năng huỷ niêm yết.

Điểm danh resort, khách sạn sang xịn nguy cơ bay màu trên sàn chứng khoán - Ảnh 4.

Khách sạn Hội An phải đối mặt khó khăn do nhân sự ngành du lịch tại địa phương thiếu hụt vì đã chuyển đổi ngành nghề, chi phí đầu vào tiếp tục gia tăng.

Mới đây, Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không Taseco đã có báo cáo giải trình việc khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát. Báo cáo cho thấy, năm 2020, doanh nghiệp này báo lỗ 49 tỷ đồng, năm 2021 lỗ 118 tỷ đồng. Nguyên nhân được đưa ra là do công ty bị lỗ 2 năm liền do dịch bệnh Covid-19 kéo dài tác động tiêu cực đến ngành kinh doanh dịch vụ. Sang 2022, lợi nhuận cả năm đã đạt 33 tỷ đồng song vẫn còn khoản lỗ luỹ kế hơn 55 tỷ đồng.

Điểm danh resort, khách sạn sang xịn nguy cơ bay màu trên sàn chứng khoán - Ảnh 5.

Taseco Airs hiện sở hữu mô hình chuỗi khách sạn À La Carte.

Tuy nhiên, cơ bản AST đã chấm dứt được chuỗi thua lỗ liên tục, qua đó vẫn có hy vọng được thoát “án” hủy niêm yết bắt buộc mặc dù kết quả cuối cùng vẫn phải chờ báo cáo kiểm toán được công bố trong thời gian tới. Ngoài hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tại ga hàng không, Taseco Airs hiện sở hữu mô hình chuỗi khách sạn À La Carte.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm