1. Lợi ích dinh dưỡng và chữa bệnh của quế
Quế được sử dụng như một loại gia vị an toàn và có lịch sử lâu đời ở nhiều nền ẩm thực khác nhau trên thế giới bởi những lợi ích sức khỏe tuyệt vời, chưa kể đến vị ngọt thơm, cay ấm đặc trưng và dễ sử dụng trong các công thức nấu ăn.
Quế cung cấp nhiều chất dinh dưỡng quan trọng, theo nghiên cứu thành phần dinh dưỡng trong một muỗng canh quế xay (khoảng 7,8g) chứa khoảng:Lượng calo: 19,3Tổng lượng carbohydrate: 6,3gChất xơ: 4,1gĐường: 0,2gTổng chất béo: 0,1gChất đạm: 0,3gNatri: 0,8mg (0,03% giá trị hàng ngày -DV)Mangan: 1,4mg (61% DV)Canxi: 78mg (6% DV)Sắt: 0,6mg (3% DV)Vitamin K: 2,4mcg (2% DV)
Ngoài các chất dinh dưỡng kể trên, loại gia vị phổ biến này còn chứa một lượng nhỏ vitamin E, niacin, vitamin B6, magie, kali, kẽm và đồng.
Quế chứa nhiều dinh dưỡng và chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe.
Không chỉ có giá trị dinh dưỡng, quế còn còn có lịch sử lâu dài về ứng dụng y học. Trong y học cổ truyền phương Đông, quế là vị thuốc được sử dụng chữa nhiều bệnh, hỗ trợ tiêu hóa và cải thiện lưu thông máu.
Theo Lương y Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Hà Nội, quế là một trong bốn vị thuốc quý trong Đông y (sâm, nhung, quế, phụ) có vị cay ngọt. Quế có tác dụng chữa thũng, đại tiện lỏng, chân tay co quắp, lưng gối đau, tê, tiểu tiện không thông… Tinh dầu quế được dùng để làm thuốc xoa bóp vùng đau bầm tím do chấn thương, chữa cảm lạnh, chống đau cơ và có tính sát khuẩn mạnh.
2. Gia vị đặc biệt có khả năng chống oxy hóa mạnh
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra quế là một trong những loại thảo mộc và gia vị phổ biến nhất thế giới về khả năng chống oxy hóa. Quế chứa nhiều chất chống oxy hóa bảo vệ giúp giảm tổn thương gốc tự do và làm chậm quá trình lão hóa. Trên thực tế, cho đến nay, các nhà nghiên cứu đã xác định được ít nhất 41 hợp chất bảo vệ khác nhau được tìm thấy trong loại gia vị này.
Các hợp chất cụ thể bao gồm polyphenol, acid phenolic và flavonoid có tác dụng chống lại stress oxy hóa trong cơ thể và được chứng minh là hỗ trợ ngăn ngừa bệnh mạn tính. Nó cũng giúp giảm viêm, hạn chế sự tích tụ oxit nitric trong máu và ngăn ngừa quá trình peroxid hóa chất béo, cả hai đều có thể làm tăng nguy cơ rối loạn não, ung thư, bệnh tim và suy giảm nhận thức.
Vì có tác dụng ngăn ngừa viêm nhiễm nên sử dụng quế cũng có thể có lợi trong việc kiểm soát cơn đau. Các nghiên cứu cho thấy nó giúp giảm đau nhức cơ bắp, giảm đau bụng kinh và giảm mức độ nghiêm trọng của phản ứng dị ứng.
Quế rất giàu cinnamaldehyde, giúp thúc đẩy giải phóng insulin và tăng cường độ nhạy insulin giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường, hỗ trợ giảm lượng đường trong máu.
Do khả năng chống oxy hóa mạnh, quế hiện đang được nghiên cứu về khả năng bảo vệ chống lại tổn thương ADN, đột biến tế bào và phát triển khối u ung thư. Các nghiên cứu gợi ý hợp chất cinnamaldehyde, có thể ức chế sự phát triển của khối u và bảo vệ ADN khỏi bị hư hại đồng thời tiêu diệt các tế bào ung thư.
Một trong những công dụng nữa ít được biết đến đó là có thể dùng bột quế để bảo quản thực phẩm. Bởi vì nó có khả năng kháng khuẩn và hoạt động như một chất chống oxy hóa nên nó có thể được sử dụng làm chất bảo quản trong nhiều loại thực phẩm mà không cần hóa chất hoặc thành phần nhân tạo.
Nghiên cứu cho thấy khi pectin từ trái cây được phủ chiết xuất lá quế sẽ mang lại hoạt tính chống oxy hóa và kháng khuẩn cao và tươi lâu hơn. Nó cũng có hoạt tính chống tyrosinase, có thể hữu ích trong việc ngăn chặn sự đổi màu của trái cây và rau quả khi chúng bị oxy hóa và bắt đầu thối rữa…
Trà quế giúp tăng cường miễn dịch và ổn định đường trong máu.
3. Cách sử dụng quế
Có rất nhiều cách để bổ sung quế vào các món ăn, thức uống hằng ngày. Trên thị trường bạn có thể tìm thấy các sản phẩm từ quế như: thanh vỏ quế, bột quế xay, tinh dầu và chiết xuất quế. Bạn có thể dùng vỏ quế tươi hoặc khô trong các món hầm hoặc ngâm trong nước nóng để làm trà quế.
Quế xay cũng có tác dụng tốt để tạo vị ngọt thơm cho các món ăn như bột yến mạch, sữa chua hoặc đồ nướng, bánh nướng, bánh ngọt, các món ăn mặn và đồ uống như rượu táo.
Dùng trà quế thường xuyên có thể giúp tăng cường miễn dịch, cải thiện triệu chứng viêm đường hô hấp. Uống trà quế sau bữa tối cũng giúp cân bằng lượng đường trong máu.Việc sử dụng quế an toàn ở mức độ vừa phải trong các món ăn, tuy nhiên đối với một số trường hợp cụ thể cũng được khuyến cáo không nên dùng. Theo Lương y Bùi Đắc Sáng, quế có tính đại nhiệt nên không dùng cho người âm hư dương thịnh, người tăng huyết áp, người đang bị viêm nhiễm cấp tính.