Chứng khoán

Loạt doanh nghiệp xin lùi thời gian trả nợ trái phiếu

Số liệu lợi nhuận năm 2022 đã cho thấy sự suy yếu khá rõ trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Thêm vào đó, tín dụng bị thắt chặt, các thị trường vốn khác (chứng khoán, trái phiếu) không tích cực đã khiến nhiều doanh nghiệp phải "khất nợ" trái phiếu đến hạn thanh toán.

Theo đó, CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) đã có văn bản xin lùi thời gian trả nợ trái phiếu hơn 181 tỷ đồng. Đây là lô trái phiếu mã 30122017-01, phát hành ngày 30/12/2017 và đáo hạn vào ngày 30/12/2022 (kỳ hạn 5 năm). Lô gồm 134 trái phiếu mệnh giá 1 tỷ đồng, tổng huy động 134 tỷ đồng, lãi suất 10%/năm, kỳ hạn thanh toán lãi 6 tháng/lần.

Theo văn bản công bố, DLG còn phải thanh toán tiền gốc hơn 117 tỷ đồng, lãi hơn 64 tỷ đồng, tổng cộng hơn 181 tỷ đồng. Công ty cho biết đang đàm phán và thỏa thuận với trái chủ để gia hạn, kéo dài thời gian trả nợ gốc và lãi theo quy định của pháp luật. Lãnh đạo Đức Long Gia Lai cho hay, nguyên nhân khiến công ty chậm thanh toán trái phiếu cho nhà đầu tư là tình hình sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn, lãi suất tăng cao, tín dụng siết chặt…, nên dòng tiền còn hạn chế.

Trong tháng 1/2023, CTCP Hưng Thịnh Incons thông bố về việc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu HTNBH2122002 đáo hạn vào ngày 31/12/2022. Lô trái phiếu này có giá trị phát hành 300 tỷ đồng, Công ty mới thanh toán được tiền lãi và 90 tỷ đồng tiền gốc, hiện vẫn còn nợ nhà đầu tư 210 tỷ đồng nợ gốc.

Thay vì thanh toán đúng hạn vào ngày 3/1/2023, Hưng Thịnh Incons đã “khất” nhà đầu tư trả một nửa tiền gốc đầu tháng 3/2023 và nửa còn lại cuối tháng 3. Nguyên nhân được Công ty đưa ra là tín dụng bị thắt chặt, các thị trường vốn khác không tích cực, các chủ đầu tư không thu xếp kịp nguồn để thanh toán cho công ty khiến nguồn tiền bị ảnh hưởng.

Hay như cuối tuần trước, CTCP Xuất nhập khẩu An Giang - Angimex (AGM) cũng đã phải tổ chức Hội nghị chủ sở hữu trái phiếu để xin ý kiến trái chủ về kế hoạch xử lý hai gói trái phiếu với hai mã AGMH2123001 và AGMH2223001. Trong đó, lô trái phiếu AGMH2123001 được phát hành vào ngày 9/11/2021 với tổng giá trị là 350 tỷ đồng và lô trái phiếu AGMH2223001 được phát hành vào ngày 14/3/2022 với tổng giá trị 300 tỷ đồng.

Ước tính, AGM sẽ phải tìm kiếm nguồn tiền trả gốc và lãi của hai lô trái phiếu hơn 600 tỷ đồng. Dù vậy, AGM cho biết các sự kiện bất khả kháng về nhân sự cùng chính sách tiền tệ bị thắt chặt trên thị trường tài chính hiện nay đã mang lại nhiều khó khăn cho công ty. Hồi cuối năm 2022, Angimex cũng tuyên bố mất khả năng thanh toán khi đến kỳ trả lãi (3 tháng/lần) đối với hai lô trái phiếu trên.

Ngoài ra còn có thêm nhiều doanh nghiệp khác đề nghị được hoãn, giãn nợ, như Lâu đài trắng (Vũng Tàu) với kế hoạch thanh toán là ngày 5/1/2023 nhưng công ty này lại lùi sang ngày 28/2/2023 do thị trường không tích cực, chưa thu xếp được nguồn vốn theo kế hoạch; CTCP Đầu tư và Xây dựng Vina2 (VC2) cũng công bố nghị quyết về kế hoạch thanh toán gốc, lãi của trái phiếu VC2H2122001 thêm một năm.

Áp lực đáo hạn trái phiếu

Theo Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam, năm 2023, sẽ có khoảng 289.819 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Riêng tháng đầu năm, có khoảng 17.500 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn; trong đó, 10.500 tỷ đồng trái phiếu bất động sản, chiếm 60% giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và 5.900 tỷ đồng trái phiếu xây dựng, chiếm 34%.

Trong khi đó, số liệu mới nhất từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), đến ngày 31/1/2023, chưa có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào trong năm 2023.

VCBS nhận định năm 2023, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục thu hẹp do lượng trái phiếu đáo hạn lớn, trong khi khả năng phát hành mới, phát hành tái cơ cấu bị hạn chế đáng kể với Nghị định 65. Đồng thời, chi phí phát hành mới duy trì ở ngưỡng cao. Lượng trái phiếu mua lại trước hạn cũng sẽ tiếp tục làm giảm quy mô chung của thị trường.

VCBS ước tính khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023 khoảng 250.000 tỷ đồng, suy giảm đáng kể so với thời điểm quý III/2022 do việc chủ động mua lại trước hạn. Trong đó, đáng chú ý, giá trị mua lại ngành ngân hàng và bất động sản trong quý IV/2022 lần lượt đạt 35 nghìn tỷ đồng và 24 nghìn tỷ đồng. Xu hướng chủ động mua lại trước hạn phần nào giúp doanh nghiệp, nhà phát hành chủ động hơn đối với nhu cầu chi trả vốn trái phiếu doanh nghiệp. Động thái này cũng cho thấy những nỗ lực đáng kể nhằm thu xếp vốn, giải tỏa bớt áp lực đáo hạn trong tương lai gần.

Mặt khác, lãi suất trái phiếu được dự báo tăng nhưng chủ yếu ở phần bù rủi ro. Ở giai đoạn này, tâm lý các nhà đầu tư đặc biệt là cá nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, lý giải một phần sức ép lên các hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn.

"Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong 3 năm tới vẫn lớn. Năm 2023 vẫn là giai đoạn đẩy mạnh các hoạt động tái cấu trúc, sắp xếp lại các tài sản đảm bảo, thực hiện công bố thông tin hoàn thiện theo quy định của Nghị định 65", VCBS dự báo.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm