"Như một cơn ác mộng", Sushant Arora, người Ấn Độ, chia sẻ trên WSJ. "Kể từ khi bị sa thải, tôi đã nộp từ 500 đến 600 đơn xin việc nhưng chỉ có ba nơi gọi phỏng vấn".
Arora nhận bằng thạc sĩ về quản lý dự án tại Mỹ vào năm 2021 và gia nhập một công ty phân tích dữ liệu ở Boston. Tháng trước, anh bị cho thôi việc. Với tình trạng hàng trăm nghìn nhân sự công nghệ cùng bị sa thải, anh thừa nhận mình không thể kén chọn và sẵn sàng đón nhận bất cứ cơ hội nào.
Theo Arora, giới hạn thời gian 60 ngày để tìm việc mới là gần như không đủ do cần trải qua nhiều bước, như nộp đơn, nhận phản hồi, vượt qua các bài kiểm tra và các vòng phỏng vấn. Trên LinkedIn và các mạng xã hội việc làm, từ khóa "sa thải H-1B" cũng trở thành chủ đề thu hút hàng nghìn người tham gia. Đây là loại visa được cấp cho du học sinh và chuyên gia có tay nghề cao đến Mỹ. Nếu mất việc, những người này phải tìm việc mới hoặc xin đi học trong vòng 60 ngày, nếu không sẽ bị trục xuất. Quy định đang tạo gánh nặng lên vai hàng chục nghìn kỹ sư nước ngoài khi họ phải cạnh tranh lẫn nhau và với cả nhân sự bản địa.
Andrew Glose từng là kỹ sư cấp cao của Twitter, nhưng mất việc hồi cuối năm ngoái sau khi Elon Musk tiếp quản. "Tôi đã phỏng vấn tại hơn 20 công ty. Đó là công việc khó khăn nhất mà tôi từng làm kể từ khi còn trong Quân đội", Glose viết trên LinkedIn.
Một số khác cảm thấy "rơi vào tình trạng lấp lửng khó chịu", như trường hợp của Neuman Vong, từng đến Twitter theo dạng thị thực lao động tạm thời dành cho công dân Australia. Anh nhận được thông báo sa thải qua email khi đang đi nghỉ ở Malaysia.
Anh quyết định trở lại Australia và nhờ người hàng xóm ở California thi thoảng lái giùm ôtô để không bị chết ắc-quy. Anh cũng nhờ một người bạn tưới cây, còn căn hộ để không. "Tôi đã đấu tranh vất vả để được ở lại Mỹ trong cả thập kỷ qua. California là nhà của tôi, bạn bè của tôi đều ở đó", anh nói.
Sophie Alcorn, người sáng lập công ty luật Alcorn Immigration Law, cho biết một số doanh nghiệp kéo dài ngày kết thúc hợp đồng với nhân viên nước ngoài, nhằm cho họ thêm thời gian khi tìm vị trí mới. Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng như vậy. Ví dụ tại chi nhánh New York của Google, nhân viên thậm chí không biết mình có bị cho thôi việc hay không, do email nội bộ bị tạm đóng. Họ chỉ còn cách tới văn phòng, quẹt thẻ ra vào để xem ai qua được cổng.
Theo số liệu từ CompTIA, số lượng việc làm công nghệ ở Mỹ giảm 32.000 vào tháng trước. Trong tháng này, có 269.000 tin tuyển dụng công nghệ, giảm từ mức 394.000 vào tháng 3 năm ngoái. Hiện chưa có thống kê bao nhiêu lao động thuộc diện thị thực tạm thời đã bị sa thải. Những người trong ngành ước tính con số có thể lên tới hàng chục nghìn.
(theo WSJ, Business Insider)