*George Jerjian là tác giả của cuốn sách "Dám khám phá mục đích của bạn: Nghỉ hưu, tiếp lửa, làm lại". Là nhà sản xuất từng đoạt giải Emmy và là tác giả của 10 cuốn sách, ông có bằng kinh doanh tại Đại học Bradford ở Anh và bằng thạc sĩ Báo chí tại Đại học New York. Dưới đây là bài chia sẻ của ông được đăng trên trang CNBC.
Năm 2007, ở tuổi 52, tôi buộc phải nghỉ hưu sớm hơn dự tính. Sau khi thăm khám sức khỏe, kết quả cho thấy có một khối u kích thước bằng một quả cà tím lớn đang nằm ở vùng xương chậu của tôi. Bác sĩ ung thư của tôi bảo rằng khối u xương 98% là ung thư thứ phát. Ông ấy ước tính rằng tôi chỉ còn khoảng 6 tháng nữa để sống.
May mắn thay, sau hai lần phẫu thuật thành công, tôi chỉ mất vài tháng để hồi phục trên đôi nạng và học cách đi lại. Sau trải nghiệm cận tử đó, tôi đã nghỉ hưu được 10 năm. Tôi thấy mình buồn chán, bồn chồn và vô cùng bế tắc. Sự nhiệt tình và năng lượng của tôi giảm đi. Sức khỏe tinh thần của tôi cũng bị ảnh hưởng.
Khi tôi chia sẻ những điều này với những người bạn già của mình, họ thừa nhận rằng đôi lúc họ cũng cảm thấy như vậy. Đó cũng là lúc tôi quyết định không "nghỉ hưu" nữa mà thành lập một công ty huấn luyện tư duy để giúp mọi người có được thời gian nghỉ hưu viên mãn hơn tôi.
Thách thức lớn nhất của việc nghỉ hưu
Thời gian nghỉ hưu có ý nghĩa khác nhau đối với từng người khác nhau. Tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát sâu với hơn 15.000 người về hưu trên 60 tuổi và hỏi họ một câu: "Thử thách lớn nhất của bạn khi nghỉ hưu là gì?"
Dưới đây là những câu trả lời phổ biến nhất mà tôi nhận được, cũng là 3 góc khuất mà hầu như bạn sẽ phải trải qua trong giai đoạn nghỉ hưu:
1. Hối tiếc
"Tôi nhớ làm công việc mà tôi yêu thích."
"Tôi không nghĩ việc nghỉ hưu là dành cho mình. Tôi muốn đi làm trở lại."
"Tôi không chắc phải làm gì với thời gian rảnh rỗi của mình. Tôi cảm thấy lạc lõng."
2. Sức khỏe
"Tôi sợ chết trong đau đớn và khó chịu."
"Khi bạn 70 tuổi và bạn mắc bệnh tim, bạn sẽ không ăn nhiều táo như vậy nữa."
3. Bị lãng quên
"Tôi sợ mọi người quên mất mình."
"Mọi người không nhìn thấy bạn nữa."
"Cảm giác vô dụng, bị xã hội từ chối."
Theo kinh nghiệm của tôi, 3 góc khuất kia đều đến từ một nguyên do duy nhất, đó là chúng ta không tìm ra được mục đích sống cho bản thân ở thời điểm này.
Khi nghỉ hưu, tài chính chắc chắn là một mối bận tâm lớn. Có người nói: "Tôi sợ nghèo", có người than thở: "Tiền bạc cứ chảy ra mà chẳng có đồng gì chảy vào". Tuy nhiên như bạn đã thấy, những lo lắng về tài chính không nằm trong top 3 nêu trên. Mọi người thường nhầm lẫn tiết kiệm hưu trí với kế hoạch nghỉ hưu. Nhưng đây là hai khái niệm khác nhau. Google từ "lập kế hoạch nghỉ hưu" và hầu như bạn sẽ thấy, đối với hầu hết kết quả trả về, nội dung đều liên quan đến tiết kiệm và lương hưu.
Có tài chính ổn định để duy trì và kéo dài thời gian nghỉ hưu đóng một vai trò quan trọng đối với chất lượng cuộc sống. Thế nhưng điều quan trọng hơn là bạn nên lập một kế hoạch sống cho thời gian đặc biệt này. Nói cách khác, bạn sẽ làm gì sau khi rời khỏi nơi làm việc? Bạn có thể từ giã sự nghiệp nhưng không thể từ giã cuộc sống của mình vì nó vẫn đang tiếp tục.
Tìm kiếm mục đích sống để có một cuộc sống ý nghĩa hơn
Cũng trong khảo sát của mình, tôi đã hỏi mọi người về cách mà họ giải quyết những thách thức của mình. 35% tin rằng câu trả lời là tìm kiếm mục đích sống thông qua một kỹ năng hoặc sở thích mới.
Trên thực tế, một nghiên cứu năm 2021 với 12.825 người trưởng thành trên 51 tuổi được công bố trên Tạp chí Journal of Applied Gerontology - tạp chí học thuật về lĩnh vực Lão khoa, đã chỉ ra mối liên kết giữa mục đích sống mạnh mẽ với các hành vi lối sống và tốc độ tiến triển của các bệnh mãn tính. Theo đó, người càng có lối sống lành mạnh thì khả năng và tốc độ mắc các bệnh mãn tính càng chậm.
Ngoài ra, việc tìm kiếm mục đích cũng có thể giúp những người về hưu tìm thấy những cơ hội làm thêm mới mang lại thu nhập, giúp giảm bớt những lo lắng về tài chính. Tôi đã giúp vô số người về hưu tìm thấy mục đích sống của họ. Họ không quay lại làm việc theo kiểu truyền thống, mà họ thành lập doanh nghiệp mới, tư vấn, tình nguyện và thực hiện những sở thích mang lại niềm vui và sự hài lòng cho họ.
Để xác định những hoạt động nào mang lại cho tôi mục đích, tôi đã tham khảo khái niệm "ikigai" của Nhật Bản, có nghĩa là "lý do tồn tại của bạn". Phiên bản phương Tây của khái niệm này dựa trên ý tưởng rằng có bốn thành phần mà một người phải hoàn thành để đạt được ikigai.
Mỗi khái niệm được thể hiện bằng một câu hỏi. Khi bạn tích cực theo đuổi những gì bạn thích làm để phục vụ bản thân, gia đình và cộng đồng của mình, hãy nghĩ xem liệu hoạt động đó có cho phép bạn trả lời "có" cho bất kỳ sự kết hợp nào của bốn câu hỏi sau không:
Bạn đang làm một hoạt động mà bạn yêu thích?
Bạn có giỏi về nó không?
Thế giới có cần những điều bạn làm không?
Bạn có thể được trả tiền để làm điều đó?
Nhà thần kinh học Nhật Bản và chuyên gia về hạnh phúc Ken Mogi cũng gợi ý 5 điều cho phép ikigai của bạn phát triển hơn nữa hay không:
Hoạt động này có cho phép bạn bắt đầu từ những việc nhỏ và cải thiện theo thời gian không?
Hoạt động có cho phép bạn giải phóng bản thân không?
Hoạt động có theo đuổi sự hài hòa và bền vững không?
Hoạt động có cho phép bạn tận hưởng những điều nhỏ nhặt không?
Hoạt động có cho phép bạn tập trung vào đây và bây giờ không?
Ở mức độ sâu hơn, ikigai đề cập đến những hoàn cảnh cảm xúc mà theo đó các cá nhân cảm thấy rằng cuộc sống của họ có giá trị khi họ hướng tới mục tiêu của mình.
Riêng tôi, tôi thấy rằng mục đích của tôi bây giờ là giúp những người về hưu "giải ngũ" và tạo dựng cuộc sống mới cho chính họ. Tùy thuộc vào thời điểm bạn dự định nghỉ hưu, bạn có thể có thêm 30, 40, 50 năm hoặc hơn nữa trong cuộc đời - và đó là một khoảng thời gian dài để trôi dạt không mục đích.
(Theo CNBC)