Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có góp ý đối với dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xử lý vi phạm hành chính.
Tại dự thảo này, Bộ Tư pháp - cơ quan soạn thảo, đề xuất quy định xử phạt không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với hành vi có mức tối đa của khung tiền đến 2,5 triệu đồng với cá nhân, 5 triệu đồng với tổ chức.
So với quy định hiện hành (250.000 đồng với cá nhân, 500.000 đồng với tổ chức), đề xuất của Bộ Tư pháp tăng gấp 10 lần mức phạt tiền tối đa được áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản.

Bộ Tư pháp đề xuất tăng 10 lần mức phạt tiền tối đa áp dụng thủ tục xử phạt không lập biên bản (ảnh minh họa)
ẢNH: NGUYỄN TUÂN
Nguy cơ tác động đến tính minh bạch
Theo VCCI, biên bản xử phạt vi phạm hành chính là tài liệu chính thức ghi nhận chi tiết về hành vi vi phạm, các tình tiết liên quan và là cơ sở pháp lý cho việc xử phạt, bảo vệ quyền lợi cho các bên liên quan.
Cạnh đó, biên bản là căn cứ để các đối tượng bị xử phạt có thể khiếu nại nếu họ cảm thấy quyết định xử phạt không công bằng. Đây cũng là căn cứ làm minh bạch hóa quá trình xử phạt vi phạm và tăng niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào tính công bằng của pháp luật.
Xuất phát từ tính chất nêu trên của biên bản xử phạt, VCCI cho rằng, cần hạn chế các trường hợp xử phạt không lập biên bản. Luật hiện hành đang tiếp cận ở hướng các hành vi xử phạt không cần lập biên bản có mức phạt tiền rất thấp, thường là các hành vi ít nghiêm trọng. Ở mức phạt này, cá nhân, tổ chức bị xử phạt cũng ít có động lực để khiếu nại và có ý kiến về trình tự, thủ tục.
Nếu dự thảo đề xuất không lập biên bản xử phạt đối với hành vi có mức xử phạt tăng gấp 10 lần quy định hiện hành, có thể dẫn tới các nguy cơ ảnh hưởng đến quyền lợi của đối tượng vi phạm và tác động đến tính minh bạch của quy trình xử lý.
Từ phân tích đã nêu, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo hoặc giữ nguyên như quy định tại luật hiện hành về các trường hợp không lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính hoặc lấy khung xử phạt với mức phạt tiền thấp nhất để áp dụng cho trường hợp này.
"Không lập biên bản không có nghĩa là đút túi cá nhân"
Ở góc nhìn khác, luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, ủng hộ đề xuất của Bộ Tư pháp, vì cho rằng sẽ tạo thuận lợi cho cả cơ quan nhà nước và người vi phạm.
Theo luật sư, luật hiện hành quy định xử phạt không lập biên bản khi mức phạt tiền cao nhất là 250.000 đồng với cá nhân và 500.000 đồng với tổ chức. Thủ tục xử phạt này thường được áp dụng với các vụ việc vi phạm hành chính đơn giản, đã rõ, tính chất nguy hiểm không lớn, người vi phạm thừa nhận hành vi và chấp nhận nộp phạt.
Với thủ tục xử phạt không lập biên bản, người có thẩm quyền sẽ ra quyết định xử phạt tại chỗ. Người vi phạm nộp tiền tại chỗ cho người có thẩm quyền, người có thẩm quyền phải giao chứng từ về việc thu tiền cho người vi phạm, tiếp theo nộp tiền này vào kho bạc nhà nước.
Trong khi đó, thủ tục xử phạt có lập biên bản sẽ phức tạp hơn, bao gồm việc lập biên bản vi phạm hành chính, xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hoặc xác định giá trị tang vật hoặc phương tiện vi phạm (nếu cần thiết), ra quyết định xử phạt, gửi quyết định xử phạt cho người vi phạm để thi hành… Hồ sơ bao gồm biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính, các tài liệu, giấy tờ có liên quan và phải được đánh bút lục.
Như vậy, thủ tục xử phạt không lập biên bản rõ ràng là thuận tiện hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả người vi phạm lẫn cá nhân, cơ quan có thẩm quyền xử phạt. "Nhiều người đang nhầm lẫn giữa xử phạt không lập biên bản và thu tiền phạt không có biên lai, giấy tờ. Phải hiểu rằng, nộp tiền phạt tại chỗ nhưng vẫn có phiếu thu xác nhận, tiền này sau đó nộp vào ngân sách chứ cán bộ xử phạt không thể đút túi cá nhân, không lo sẽ tiêu cực, tham nhũng", luật sư phân tích.
Trước lo ngại việc tăng mức phạt tiền không lập biên bản sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người vi phạm (ý kiến, khiếu nại…), luật sư Ứng cho rằng, thủ tục này chỉ áp dụng với trường hợp vi phạm đã rõ ràng, người vi phạm "vui vẻ nộp phạt" và không có tranh cãi gì.
Ngược lại, nếu vụ việc vi phạm phức tạp, người vi phạm không đồng ý nộp phạt thì đương nhiên không thể áp dụng thủ tục xử phạt không lập biên bản. Thay vào đó, người có thẩm quyền xử lý buộc phải thực hiện thủ tục xử phạt có lập biên bản vi phạm hành chính.
"Quyền ý kiến, khiếu nại của người vi phạm sẽ không bị ảnh hưởng gì", luật sư nói.
Vì sao tăng mức tiền phạt không lập biên bản?
Giải thích cho đề xuất của mình, Bộ Tư pháp đánh giá hiện nay các hành vi vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước đang được quy định theo hướng tăng khung tiền phạt.
Ngay tại dự thảo luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi cũng đang dự kiến quy định tăng mức tiền phạt tối đa đối với một số lĩnh vực.
Cạnh đó, việc tăng mức tối đa của khung tiền phạt làm cơ sở để xác định xử phạt không cần lập biên bản sẽ góp phần đơn giản hóa thủ tục xử phạt, giảm thiểu tối đa các trường hợp phải lập biên bản vi phạm hành chính, tiết kiệm thời gian và nguồn lực.