Thời sự

"Lạm phát vượt 4% vẫn là mức thấp so với các nước trong khu vực"

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) vừa công bố báo cáo vĩ mô, đưa ra nhận định áp lực lạm phát chủ yếu đến từ bên ngoài khi giá nguyên nhiên vật liệu tăng trong bối cảnh đứt gẫy chuỗi cung ứng và căng thẳng địa chính trị. Theo đó, các quốc gia trên thế giới cũng chịu áp lực lạm phát tăng nhanh và mạnh (như Mỹ hay các quốc gia chấu Âu). 

VCBS quan sát thấy nhà điều hành vẫn có trong tay các công cụ, và thể hiện quyết tâm ổn định mặt bằng giá.

Đối với nhóm lương thực thực phẩm, theo VCBS, nhìn chung Việt Nam với thế mạnh nông nghiệp, hoàn toàn có thể chủ động và kiểm soát nguồn cung, đi kèm với các chương trình bán hàng bình ổn giá. 

Ngoài ra, chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm đảm bảo các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát và giá các dịch vụ công vẫn năm trong kiểm soát của Chính phủ cũng là hai điểm tích cực.

Mặc dù vậy, áp lực lạm phát và lạm phát kỳ vọng tiếp diễn chủ yếu do thiếu hụt nguồn cung, giá cả hàng hóa leo thang và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Các chuyên gia tại đây cho rằng trong năm nay, giá dầu có thể duy trì quanh ngưỡng 90-110 USD trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine cùng với các biện pháp trừng phạt kinh tế đẩy giá năng lượng toàn cầu lên mức cao kỷ lục. 

Bên cạnh đó giá than đầu vào sản xuất điện leo thang tạo áp lực lên giá điện. Trong khi đó, cầu tiêu dùng nội địa sẽ hồi phục đáng kể sau đại dịch. Lương tối thiểu tháng theo 4 vùng sẽ được điều chỉnh tăng từ ngày 1/7.

Khối phân tích dự báo áp lực lạm phát thậm chí có thể kéo dài đến nửa đầu năm 2023 khi giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới ở mức cao và phản ánh nhiều hơn vào chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm. Ngoài ra, cũng không loại trừ áp lực lạm phát vòng hai do giá xăng dầu tăng cao. 

Lạm phát năm 2022 có khả năng vượt mục tiêu 4% của Quốc hội, theo dự báo của VCBS. Tuy nhiên, các chuyên gia tại đây cho rằng áp lực mức tăng lạm phát như vậy vẫn ở mức tương đối thấp so với các quốc gia trong khu vực.

 

Công ty cũng dự báo tăng trưởng GDP năm nay đạt 6,49%-7,6% dựa trên nhiều yếu tố.

Nền kinh tế phục hồi sau dịch với mức tăng cao dựa trên nền thấp của các năm trước do tác động của dịch bệnh. Bên cạnh đó nhóm dịch vụ dự báo có đóng góp lớn trong giai đoạn kinh tế phục hồi.

Đồng thời, kỳ vọng điểm sáng về các chính sách tiền tệ kết hợp với chính sách tài khóa tiếp tục được duy trì trong bối cảnh các diễn biến không thuận lợi có thể kéo dài sang năm 2023 đặc biệt liên quan đến lạm phát và xu hướng tăng lãi suất của các NHTW.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm