Ngân hàng rục rịch tăng lãi suất
Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh lãi suất theo hướng giảm, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế. Trước sự điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước, bình quân lãi suất cho vay trong giai đoạn cuối năm 2021 chỉ trong khoảng trên dưới 5%/năm, đây được đánh giá là mức lãi suất thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
Trong suốt thời gian lãi suất cho vay thấp, nhiều người mua nhà, đầu tư đã sử dụng đòn bẩy tài chính để mua bất động sản. Cùng đó, tác động của dịch bệnh Covid - 19 khiến tình trạng sản xuất, kinh doanh cũng trở nên đình trệ, theo đó dòng tiền cũng được đổ vào bất động sản. Do đó, thời gian qua thị trường bất động sản liên tục xảy ra tình trạng “sốt đất” cục bộ.
Qua quan sát, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho biết, năm 2021 không ít người ngạc nhiên với thị trường bất động sản bởi thông thường thị trường chỉ tăng khi kinh tế phát triển mạnh hoặc dòng tiền tốt”, ông Hiển nói.
Theo ông Hiển, nhiều doanh nghiệp không làm ăn được nên bỏ tiền vào bất động sản, người dân vì chán làm ăn cũng bỏ tiền vào địa ốc. Những lý giải này đều không có tính hợp lý về kinh tế. Bởi vì khi một nền kinh tế đang khó khăn, dù người có tiền hay không có tiền cũng không ai đi lo bỏ tiền vào kênh đầu tư dài hạn là bất động sản.
Vị chuyên gia nhận định: “Đến đầu năm 2022, cùng với việc Bộ Tài chính và Chính phủ quyết liệt trong việc xử lý một số doanh nghiệp thì người ta mới thấy rằng năm 2021 xuất hiện một dòng tiền đầu tư tài chính ảo. Và việc tăng giá bất động sản trong năm qua hoàn toàn không dựa trên một nhu cầu bền vững của đầu tư hoặc sử dụng”.
Qua thời lãi suất ở mức thấp nhất trong 10 năm qua, gần đây, một số ngân hàng thương mại đã đồng loạt tăng mạnh lãi suất huy động. Đơn cử, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tăng mạnh lãi suất huy động tiền đồng từ 0,6 - 0,9%/năm. Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) điều chỉnh tăng 0,2%/năm cho hầu hết các kỳ hạn ở cả hai hình thức gửi tại quầy và online.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng mới công bố biểu lãi suất huy động mới, theo đó lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng tăng lên 3,7%/năm, 6 tháng tăng lên 4,7%/năm. Ở kỳ hạn huy động 12 tháng, lãi suất tăng lên 5,8%/năm, và mức lãi suất huy động cao nhất là 6,3%/năm ở kỳ hạn 36 tháng,…
Thực tế, thời gian qua, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đã rục rịch tăng, nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất cho vay có thể sẽ tăng theo. Theo dự báo của các chuyên gia VCSC, lãi suất cho vay thế chấp mua nhà nửa cuối năm nay sẽ cao hơn so với nửa đầu năm. Trong năm 2023, mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà sẽ đi ngang, ở mức 11,2%, cao hơn so với dự báo 10,8% ở năm 2022. Còn lãi suất tiền gửi ngân hàng sẽ ở mức 6% trong năm 2023 (dự báo năm 2022 là 5,7%).
Bà Lưu Bích Hồng, Trưởng phòng cao cấp Phòng Nghiên cứu và Phân tích VCSC cho biết, xu hướng tăng lãi suất cho vay thế chấp đã được dự báo từ năm 2018 nhưng giảm nhẹ trong hai năm dịch Covid-19 do lãi suất tiền gửi được giảm tương đối.
Trong báo cáo mới đây, KB Securities đánh giá mặt bằng lãi suất huy động đã chạm đáy nên nhiều khả năng sẽ nhích tăng trong nửa cuối năm 2022. Nguyên nhân do lạm phát tăng trở lại khiến ngân hàng cần nâng lãi suất huy động để duy trì lãi thực dương đủ hấp dẫn để duy trì tính cạnh tranh, cùng đó là nhu cầu tín dụng tăng khi nền kinh tế phục hồi. Mức Tăng nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ 0.5-1%, tương ứng với kịch bản cơ sở lạm phát tăng 3.8%.
"Hết thời" lãi suất thấp mua bất động sản
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, trong bối cảnh lạm phát tăng mạnh thì về tổng thể, thị trường bất động sản chịu tác động tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Bởi vì khi lạm phát tăng thì buộc các nước phải can thiệp bằng cách tăng lãi suất. Và khi mặt bằng lãi suất tăng thì nghĩa vụ trả nợ tăng theo, tỷ giá cũng tăng theo, đồng tiền nội tệ của các nước mất giá,…
Ngoài ra, khi lãi suất tăng thì đầu tư, tiêu dùng giảm và kinh tế sẽ giảm đà phục hồi. Bên cạnh đó, khi lạm phát tăng, giá cả mọi mặt hàng cũng tăng theo khiến tâm lý phòng thủ xuất hiện. Người dân sẽ bớt ăn tiêu, thậm chí là từ bỏ ý định đầu tư. Hoặc nếu có thì cũng không có chuyện dễ dàng “lướt sóng” kiếm lời như hai năm trước.
“Ở thời điểm này, nếu như bất động sản còn tăng ở một nơi nào đó thì đó chỉ có thể là hiện tượng thổi giá. Năm nay, những yếu tố cơ bản để đẩy giá bất động sản lên như hai năm qua đã không còn nữa. Trừ khi pháp lý đã được điều chỉnh, thông tin quy hoạch được công bố, cơ sở hạ tầng được đầu tư,… Chưa kể Chính phủ và các địa phương cũng đang có động thái, chính sách điều tiết giúp cho thị trường trở về giá trị thật”, ông Lực nhận định.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhận định, việc các ngân hàng tăng lãi suất cho vay trong bối cảnh hiện nay là điều dễ đoán. Trong năm 2021, do lãi suất tiết kiệm thấp, nên dòng tiền đã chảy từ ngân hàng sang các kênh đầu tư khác, như bất động sản và trái phiếu. Điều này đã tạo ra sức ép rất lớn cho các ngân hàng, khi huy động tiền gửi của người dân.
"Đương nhiên, khi các ngân hàng tăng lãi suất huy động, thì sớm hay muộn cũng sẽ tăng lãi suất cho vay. Đó là chưa kể, vừa qua, hàng loạt các ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất, nếu các ngân hàng trong nước không tăng theo, đồng Việt Nam sẽ rất dễ bị mất giá, và điều này không tốt cho nền kinh tế", ông Thịnh nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia, khi lãi suất cho vay tăng, những người đã vay tiền để mua nhà, mua xe trước đó, đương nhiên sẽ phải "cõng" thêm mức lãi suất mới. "Lãi suất cho vay tăng là điều đã được dự báo từ trước, nhưng từ nay tới hết năm 2022, lãi suất có thể chỉ tăng thêm 0,5% – 1%, như vậy tác động của nó lên nợ xấu là không lớn", ông Thịnh nhận định.
Vị chuyên gia khuyến cáo, trước khi lựa chọn mua nhà trả góp, người dân phải tính toán mức lãi suất lâu dài, tránh trường hợp không thể thanh toán được theo tiến độ. "Hiện nay, ngân hàng nào cho vay mua nhà đều có ưu đãi trong 1 – 2 năm, khi hết thời gian ưu đãi, lãi suất sẽ thả nổi theo thị trường. Do đó, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù lãi suất có thấp như năm 2021 đi chăng nữa, thì cũng phải tính đến việc lãi suất sẽ tăng cao trở lại", ông Thịnh nói.