Làn sóng giải chấp tài khoản khi hoạt động vay ký quỹ (margin) có phần lạm dụng quá mức khiến nhà đầu tư nhìn lại công cụ vốn được cho là “con dao hai lưỡi” này. Nếu không quản trị rủi ro tốt, giá trị tài sản ròng (NAV) tài khoản của các nhà đầu tư sẽ bị bào mòn rất nhanh với tỷ lệ đòn bẩy cao, thậm chí dẫn đến hiện tượng “cháy tài khoản” khi bị gọi ký quỹ.
Theo thống kê của phóng viên, cập nhật mới nhất dựa trên báo cáo tài chính quý II của các công ty chứng khoán, tổng quy mô cho vay ký quỹ của 20 công ty chứng khoán lớn nhất trên thị trường đạt khoảng 123.486 tỷ đồng, giảm 32.185 tỷ đồng so với thời điểm cuối tháng 3. Nếu tính tổng của toàn thị trường, con số này sẽ nhiều hơn đáng kể.
Trong quý I, margin của 20 công ty này đạt đỉnh ở ngưỡng 155.671 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 5.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021. Quy mô cho vay ký quỹ thời điểm này của thị trường tương đương với thời điểm cuối quý III/2021.
Quan sát hoạt động cho vay margin của từng công ty chứng khoán cho thấy phần lớn thu hẹp quy mô cho vay trong quý vừa qua. Ngoại trừ hai cái tên mới nổi của thị trường là VPBank Securities và DNSE. Đây đều là những công ty chứng khoán vừa tăng thêm vốn sau khi được sang tay cho chủ mới.
VPBank Securities sau khi được ngân hàng mẹ - VPBank tăng vốn lên gần 9.000 tỷ đồng đã giải ngân 2.915 tỷ đồng cho vay margin, số còn lại tập trung đầu tư trái phiếu của các công ty. Dư nợ ký quỹ thời điểm hiện tại đang đứng 16 trên thị trường. DNSE cũng giải ngân thêm hơn 500 tỷ đồng cho vay, nâng tổng dư nợ lên 1.848 tỷ đồng.
Ở Top20 công ty lớn, Chứng khoán KB Việt Nam là đơn vị duy nhất tăng nhẹ margin trong quý II thêm 43 tỷ đồng, lên 5.165 tỷ đồng tại ngày 30/6/2022.
Xét về giá trị tuyệt đối, Chứng khoán SSI (Mã: SSI) tiếp tục là công ty chứng khoán có dư nợ cho vay lớn nhất với hơn 14.560 tỷ đồng thời điểm cuối quý I. Trước đó giá trị cho vay đạt đỉnh khi tiệm cận ngưỡng 1 tỷ USD.
TCBS vượt Mirae Asset (Việt Nam) vươn lên trở thành đơn vị cho vay margin lớn thứ hai trên thị trường với quy mô 13.900 tỷ đồng, giảm 2.119 tỷ đồng so với cuối quý I. Dư nợ ký quỹ của Mirae Asset (Việt Nam) sụt giảm hơn 4.000 tỷ đồng còn 12.206 tỷ đồng.
Sau khi tăng vốn khủng lên 12.000 tỷ đồng, Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) giảm mạnh hoạt động margin. Nếu so với quý I, đây là đơn vị thu hẹp quy mô cho vay lớn nhất trong nhóm dẫn đầu. Tổng dư nợ giảm 4.852 tỷ đồng trong quý xuống còn 11.229 tỷ đồng.
Một đơn vị khác cũng có quy mô cho vay trên 10.000 tỷ đồng là Chứng khoán HSC (Mã: HCM). Giá trị tại ngày 30/6 là 11.227 tỷ đồng, trong khi tại ngày 31/3 là 14.523 tỷ đồng.
Thống kê cho thấy những đơn khi khác cũng giảm quy mô margin hàng nghìn tỷ đồng trong quý II có Chứng khoán Bản Việt (Mã: VCI), KIS Việt Nam, FPTS, ACBS, SHS, Tân Việt. Số khác thu hẹp ở mức hàng trăm tỷ đồng có VPS, MBS, Yuanta Việt Nam, VCBS, Maybank, Phú Hưng, BSC, Bảo Việt.
Mặc dù giảm quy mô cho vay, song trong bối cảnh thanh khoản thu hẹp tác động tiêu cực đến nguồn thu phí từ hoạt động môi giới, nguồn tiền lãi từ hoạt động margin vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu hoạt động của các công ty chứng khoán. Đây chính là động lực nâng đỡ kết quả kinh doanh của nhiều đơn vị trong quý vừa qua. Chúng tôi sẽ đề cập trong những bài thống kê sắp tới.