Ngày 29.4, nhân kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh (Công ty Sài Gòn Xanh) tổ chức lễ khánh thành nhà máy xử lý chất thải rắn Liên Đầm (giai đoạn 1), tại xã Liên Đầm, H.Di Linh (Lâm Đồng).

Nhà máy xử lý chất thải rắn Liên Đầm (H.Di Linh) đi vào vận hành
ẢNH: LÂM VIÊN
Theo đó, nhà máy xử lý chất thải thải rắn (nhà máy xử lý rác) được triển khai trên tổng diện tích 21,38 ha, với tổng vốn đầu tư 291 tỉ đồng. Giai đoạn 1 của dự án sử dụng 18,66 ha, vốn đầu tư 142 tỉ đồng. Nhà máy có công suất thiết kế 350 tấn/ngày đêm; trong đó giai đoạn 1 chính thức đi vào hoạt động với công suất 150 tấn/ngày đêm. Đây là công trình trọng điểm, được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 599/QĐ-UBND ngày 22.3.2021 và điều chỉnh tiến độ theo Quyết định số 1937/QĐ-UBND ngày 10.10.2023.

Dây chuyền sản xuất và đóng bao phân bón vi sinh tại nhà máy xử lý chất thải rắn Liên Đầm
ẢNH: LÂM VIÊN
Nhà máy ứng dụng công nghệ hiện đại đốt sinh khối, tận thu nhiệt để phát điện nội bộ; sản xuất phân vi sinh, gạch không nung, nhựa tái sinh với mô hình tuần hoàn, khép kín, với tỷ lệ chôn lấp chất thải dưới 10%, góp phần giảm tải áp lực lên môi trường tự nhiên.
Ông Ngô Pa Ri, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Sài Gòn Xanh, chủ đầu tư dự án nhà máy xử lý chất thải rắn Liên Đầm, cho biết với sứ mệnh "Giữ gìn màu xanh cho hôm nay và mai sau", công ty sẽ tiếp tục nỗ lực để hoàn thành mục tiêu và tiến độ của dự án, cam kết vận hành nhà máy xử lý chất thải rắn Liên Đầm theo các tiêu chuẩn thân thiện với môi trường, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành.
Phát biểu tại lễ khánh thành nhà máy, ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nhấn mạnh: "Việc khánh thành nhà máy xử lý rác thải Liên Đầm (H.Di Linh) hôm nay là một bước tiến quan trọng trong việc cụ thể hóa chiến lược phát triển xanh của tỉnh. Nhà máy không chỉ có ý nghĩa giải quyết bài toán rác thải sinh hoạt, hạn chế ô nhiễm môi trường, mà còn tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương".

Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, phát biểu tại lễ khánh thành nhà máy xử lý chất thải rắn
ẢNH: LÂM VIÊN
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đề nghị chủ đầu tư và đơn vị vận hành cần thực hiện nghiêm các quy trình kỹ thuật, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đảm bảo an toàn lao động, an toàn môi trường, nâng cao hiệu quả xử lý chất thải, hướng tới mô hình tuần hoàn tài nguyên, tái chế, tái sử dụng. UBND H.Di Linh cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức tốt công tác phân loại, thu gom rác thải, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường.

Các đại biểu tham quan nhà máy xử lý chất thải rắn Liên Đầm
ẢNH: LÂM VIÊN
Chúng tôi cam kết tiếp tục đầu tư hoàn thiện dây chuyền công nghệ xử lý chất thải theo nguyên lý tuần hoàn, khép kín, tăng cường tái chế, hạn chế chôn lấp, đồng thời nhanh chóng triển khai các hạng mục của giai đoạn 2 để sớm đạt công suất thiết kế 350 tấn/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải của địa phương", ông Ngô Pa Ri khẳng định.