Thời điểm chuyển giao qua năm mới, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) và ông Huỳnh Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Tư vấn và Quản lý gia sản FIDT đã đưa ra chia sẻ, nhận định về tiềm năng đầu tư các phân lớp tài sản tài chính tại Việt Nam.
Nhìn lại một năm, ông Tuấn cho biết hiệu quả của các kênh đầu tư chính trong 2023 có sự phân hoá tương đối. Kênh gửi tiết kiệm chỉ hấp dẫn nếu nhà đầu tư (NĐT) gửi từ các tháng đầu năm với kỳ hạn dài. Kênh cổ phiếu cũng có rất nhiều biến động khi VN-Index có lúc đã tăng 23% nhưng sau đó lại giảm lại.
Trái phiếu được nhắc đến nhiều trong năm 2023, tuy nhiên sản phẩm này được nhắc đến thiên về rủi ro hơn là lợi nhuận. Lo lắng về khả năng thanh toán của các tổ chức phát hành, nhiều NĐT không mặn mà với kênh này. Lãi suất trái phiếu phát hành mới rơi vào khoảng 10-11%/năm, vượt xa mức lãi suất huy động tiền gửi nhưng vẫn chưa đủ hấp dẫn để các NĐT mới mua vào.
Bất động sản tiếp tục “đóng băng” ở các phân khúc đất nông nghiệp và dự án kể cả phân khúc thấp tầng hay đất nền phân lô. Có nhiều nơi giá rao bán đã giảm 30-40% so với đỉnh nhưng thanh khoản vẫn mất hút. Tuy nhiên, nếu so với nền giá năm 2019, nhiều bất động sản phân khúc này vẫn đang được rao bán với giá cao hơn.
Vàng, kênh trú ẩn an toàn trước các cuộc suy thoái lớn hoặc chiến tranh, đã tăng giá khoảng 10% trong năm nay. Trong khi đó, việc nắm giữ USD đem lại kết quả tăng giá 2-3% so với đồng VND.
Các yếu tố chủ yếu tác động đến thị trường tài chính 2024
Qua năm 2024, ông Tuấn đánh giá môi trường đầu tư tài chính trong nước sẽ phụ thuộc nhiều vào việc chính sách duy trì lãi suất thấp của Ngân hàng Nhà nước. Chính sách này hỗ trợ rất lớn cho các hoạt động đầu tư tài chính vì giảm chi phí cơ hội đầu tư. Tuy nhiên, việc này chỉ hỗ trợ trong ngắn hạn.
Đối với môi trường ngoài nước, sự chú ý tập trung vào chính sách lãi suất của Fed. Hiện tại, các chuyên gia trên thế giới đều tin rằng Fed đã ngừng tăng lãi suất và đang dự đoán thời điểm bắt đầu giảm lãi suất từ quý II/2024. Điều này sẽ hỗ trợ lớn cho tỷ giá USD/VND, giúp các NĐT nước ngoài yên tâm về rủi ro mất giá của VND.
Lãi suất USD giảm dần cũng sẽ khuyến khích các NĐT nước ngoài muốn đầu tư vào các thị trường tài chính mới nổi như Việt Nam. Chúng ta có thể kỳ vọng các NĐT nước ngoài sẽ quay trở lại mua ròng trên thị trường tài chính 2024.
Góc nhìn của ông Phan Dũng Khánh, một trong những yếu tố quan trọng là chính sách tiền tệ, tâm điểm là Fed và ECB. Hai ngân hàng trung ương lớn dự kiến hạ lãi suất vào giữa năm 2024.
Thứ hai là sức mạnh của USD trong thời gian tới. Bên cạnh đó, chính sách tài khóa của các quốc gia, căng thẳng địa chính trị... cũng là các yếu tố đáng quan tâm.
Cơ hội đầu tư mở ra trong 2024 tại nhiều phân lớp tài sản
Bàn về chiến lược phân bổ tài sản, ông Khánh nhận định NĐT đang đứng trước một cơ hội rất lớn tại các kênh như chứng khoán, bất động sản (BĐS). Thị trường trái phiếu hay BĐS vừa trải qua giai đoạn được xem như xấu nhất cũng mở ra những cơ hội. Theo đó, NĐT có thể dần chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang các kênh mạo hiểm hơn như chứng khoán hay BĐS, trong đó bất động sản sẽ cần tích lũy với thời gian lâu hơn.
Thị trường BĐS đã trải qua năm 2023 ảm đạm, song đây cũng có thể là một cơ hội lớn. Cho đến thời điểm cuối năm 2023, BĐS gần như là kênh duy nhất chưa có sự tăng trưởng nào, có thể xem là khu vực đáy.
Dự báo cho 2024, thị trường BĐS vẫn còn nhiều khó khăn, song sẽ ấm dần lên với thanh khoản cải thiện. Từ khoảng giữa năm 2024 những điều này có thể rõ nét hơn. Thị trường TPDN có nhiều nét tương tự với bất động sản. Giai đoạn khó khăn nhất đã trải qua vào 2022, năm 2023 phát hành trái phiếu cũng đã cải thiện hơn.
Ông Huỳnh Minh Tuấn cũng cho rằng thị trường BĐS sẽ “ấm” dần lên. Tuy nhiên, thứ tự phục hồi vẫn sẽ là từ các phân khúc có nhu cầu ở thật cao như căn hộ tầm trung, nhà đất tại các thành phố lớn, sau đó đến cuối 2024 mới bắt đầu đến các phân khúc có tính đầu cơ cao như shophouse, nghỉ dưỡng và đất nền phân lô vùng ven.
TPDN vẫn có một số rủi ro nhất định khi nhiều doanh nghiệp vẫn trong tình trạng chậm trả lãi và gốc trái phiếu và áp lực trái phiếu đến hạn năm 2024 vẫn khá cao. Thị trường TPDN vẫn cần có thêm một thời gian dài để tái cơ cấu và hồi phục hoàn toàn.
Về kênh tiền gửi, theo ông Khánh, lãi suất huy động hiện tại đã xuống dưới 6%/năm, thậm chí có một số ngân hàng lãi suất còn dưới 5%/năm.
Nghịch lý là số lượng tiền gửi theo thống kê lại tăng dần đều. Cả trên TTCK, lượng tiền nằm ở trong tài khoản cũng đang ở mức khá cao. Điều này cho thấy tâm lý phòng thủ đang mạnh hơn.
Việt Nam đang làm tốt về chính sách tiền tệ, và cả yếu tố tỷ giá. Dự báo xu hướng lượng tiền gửi neo cao còn duy trì đến ít nhất quý I/2024. Từ quý II trở đi, dòng tiền có thể bắt đầu chuyển hướng sang các kênh khác.
Cùng quan điểm, ông Tuấn cũng dự báo lãi suất sẽ tăng nhẹ và ổn định. Trong năm 2024, với kỳ vọng kinh tế sẽ khởi sắc hơn năm 2023, doanh nghiệp hồi phục và có nhu cầu vay vốn tốt hơn, lãi suất thấp khiến cho người gửi tiền sẽ giảm nhu cầu gia tăng tiền gửi tiết kiệm so với năm trước.
Chứng khoán có thể "dậy sóng" về cuối năm
Thị trường chứng khoán (TTCK) là kênh đầu tư thu hút số đông NĐT, với khoảng 7,3 triệu tài khoản giao dịch tính đến hết tháng 11, xấp xỉ khoảng hơn 7% dân số.
Theo ông Khánh, cơn sóng trên TTCK năm 2024 có thể có và nghiêng về cuối năm nhiều hơn. Xu hướng sẽ rõ nét rơi về cuối 2024, đồng pha với sự phục hồi của nền kinh tế, tốc độ chạy đà hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Vào quý III/2023 và cả quý IV/2023, dòng tiền trên thế giới có xu hướng tìm đến các kênh an toàn hơn so với cổ phiếu, khiến TTCK có sự chững lại. Điều này dự kiến còn kéo dài qua đầu năm sau, khó thể sớm cải thiện. Do đó, TTCK, cụ thể hơn là thị trường cổ phiếu sẽ tích cực hơn, có sóng hơn vào nửa cuối năm.
Còn theo ông Tuấn đánh giá, nếu như 2023 là năm đánh dấu bước ngoặt của chính sách sau cơn khủng hoảng, 2024 sẽ là năm các chính sách này thể hiện rõ sự thẩm thấu. Với nền lãi suất thấp, chính sách tiền tệ nới lỏng cùng nhiều chính sách hỗ trợ, kinh tế năm 2024 sẽ có sự hồi phục mạnh mẽ từ nền thấp 2023.
Bên cạnh đó, những rủi ro mà TTCK lo ngại trước đây cũng dần qua đi khi mà thị trường BĐS cũng đang xuất hiệu những tín hiệu tích cực sau quãng thời gian dài ảm đạm và tỷ giá không còn là mối lo lớn do lãi suất Fed đã đạt đỉnh và sẽ đảo chiều trong 2024.
Ông Tuấn cho rằng TTCK đang ở điểm khởi đầu của một chu kỳ tăng trưởng mới và có nhiều động lực để tăng trưởng trong năm sau. Hiện nay Chính phủ đang đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nhằm tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi. Chính vì vậy, các nhóm ngành đang được hưởng lợi nhờ xu hướng này sẽ có nhiều động lực tăng trưởng trong thời gian tới cụ thể như nhóm cổ phiếu xây lắp công trình dầu khí, xây lắp điện và nhóm xây dựng hạ tầng.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng đang có động lực lớn trong 2024 xoay quanh câu chuyện hệ thống KRX được đưa vào hoạt động và thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng vào cuối năm sau.
cho rằng Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội của thập kỷ vì định giá nhiều lớp tài sản chất lượng đang trong vùng thấp, tuy nhiên thị trường luôn tiềm ẩn rủi ro và liệu 2024 có tạo đà phục hồi trở lại cho nền kinh tế hay không vẫn là một bài toán khó.