Lãi suất liên tục giảm, người dân vẫn gửi thêm tiền vào ngân hàng
Trong năm 2023, lãi suất tiết kiệm đã có xu hướng giảm mạnh xuống mức thấp lịch sử, tuy nhiên tiền gửi ngân hàng vẫn tiếp tục tăng.
Tính đến hiện tại, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây, dao động từ 4,78% đến 5,29%/năm, thấp hơn cả giai đoạn trong dịch COVID-19.
Đầu tháng 12, ba ông lớn Big4 là Agribank, BIDV và VietinBank đã cùng đưa lãi suất kỳ hạn 12 tháng về 5%/năm, trong khi Vietcombank đã áp dụng lãi suất 4,8%/năm kể từ cuối tháng 11.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 9/2023, tổng số dư tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư đạt 12,68 triệu tỷ đồng, tăng 7,3% so với cuối năm ngoái.
Trong đó, số dư tiền gửi của dân cư là 6,45 triệu tỷ đồng, tăng 9,95% so với thời điểm cuối năm 2022. Số dư tiền gửi của tổ chức kinh tế nhích thêm 4,65%, lên 6,23 triệu tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, tiền gửi của dân cư đã tăng thêm gần 583.500 tỷ đồng, trong khi tiền gửi của tổ chức kinh tế tăng 276.900 tỷ đồng. Mức tăng trong 9 tháng đầu năm 2023 đã cao gần bằng so với tăng trưởng tiền gửi của cả năm 2022.
Nếu so với cùng kỳ năm trước, tiền gửi của tổ chức kinh tế đã tăng trưởng nhanh gấp đôi, còn tiền gửi của dân cư là nhanh gấp rưỡi.
Từ 2020 trở lại trước, tiền gửi của tổ chức kinh tế thường ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao, gấp nhiều lần so với tăng trưởng tiền gửi của dân cư. Tuy nhiên trong hai năm trở lại đây, xu hướng này đã đảo ngược.
Lý giải vấn đề này chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển cho rằng lý do tiền gửi doanh nghiệp đuối hơn là vì họ đang thiếu tiền. “Trước kia, doanh nghiệp dùng ngân hàng như một kênh để cất trữ tiền. Tuy nhiên, trong khoảng 3 năm nay làm ăn ngày càng khó khăn và doanh nghiệp phải rút tiền ra để trang trải chi phí, nên tiền gửi đã giảm xuống. Đặc biệt, từ tháng 10/2022 thì tình hình càng căng thẳng hơn và doanh nghiệp phải tiếp tục rút tiền mạnh hơn để chi tiêu”, ông nói.
Vì sao kênh gửi tiền vẫn được ưa thích?
Cuối năm 2022, đầu 2023, lãi suất tiền gửi lên cao nhất trong nhiều năm, thúc đẩy người dân đổ xô gửi tiền ngân hàng. Tuy nhiên sau khi ngân hàng nhà nước 4 lần liên tiếp hạ các lãi suất điều hành, lãi suất tiền gửi đã chạm đáy lịch sử. Bất chấp tình trạng này, người dân lẫn doanh nghiệp vẫn tiếp tục lựa chọn tiền gửi như một kênh đầu tư an toàn.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, do tình hình nền kinh tế vĩ mô còn đứng trước nhiều thách thức bất định, người dân vẫn sẽ lựa chọn kênh tiền gửi, thay vì đầu tư vào bất động sản, chứng khoán hay sản xuất, kinh doanh.
Ông cho hay trong 10 năm gần đây, các kênh đầu tư quen thuộc nhất ở Việt Nam là bất động sản, sau đó tới chứng khoán và cuối cùng mới là làm ăn kinh doanh. Do đó, khi các kênh đầu tư này chưa có tín hiệu khởi sắc rõ ràng thì tiền gửi vẫn sẽ là lựa chọn hàng đầu của người dân.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TP HCM, cho biết hiện giờ người dân và doanh nghiệp đang không có lựa chọn thay thế.
“Kênh nào cũng rủi ro, chứng khoán cũng rủi ro, bất động sản cũng vậy, vàng thì giá lại quá cao. Nhìn lại thì cũng chỉ có cách gửi tiết kiệm để bảo toàn vốn”, ông nói.
Theo chuyên gia, nhà đầu tư cá nhân “vẫn đang chờ đợi những kênh khác cũng muốn đầu tư, nhưng hiện nay chưa phải là thời điểm thích hợp, nên tiền vẫn nằm trong ngân hàng. Còn với doanh nghiệp, những khó khăn về kinh doanh khiến doanh nghiệp cũng để tiền trong ngân hàng và chờ đợi thời điểm sử dụng.