Sản lượng điện dự kiến tăng trưởng 1 chữ số trong năm 2024
Báo cáo chiến lược 2024 của Chứng khoán MB (MBS), nhu cầu điện được dự báo phục hồi từ 2024, đạt tăng trưởng 8,4% từ mức thấp của 2023 hỗ trợ bởi nhu cầu sản xuất công nghiệp tích cực hơn, và tiếp tăng trưởng kép trung bình 7,5% giai đoạn 2024-2030 theo kịch bản thấp của Quy hoạch điện VIII.
Trong đó, sản lượng thủy điện và điện khí 2024 sẽ ghi nhận sự phục hồi 8% và 11% từ nền thấp. Sản lượng điện năng lượng tái tạo (NLTT) sẽ tăng 6%, hỗ trợ bởi công suất bổ sung từ nguồn dự án chuyển tiếp, trong khi sản lượng điện than sẽ tiếp tục tăng trưởng 9% do nhu cầu cao tại miền Bắc.
Chứng khoán Tiên Phong (TPS) dự báo tổng nguồn điện huy động năm 2024 sẽ giao động từ 298,04 tỷ kWh (phụ tải bình thường) đến 306,36 tỷ kWh (phụ tải cao).
Trong năm 2024, điện than vẫn được kỳ vọng sẽ có lợi hơn điện khí và thuỷ điện. Theo dự báo của EVN, khả năng thiếu điện ở miền Bắc vào mùa khô năm 2024 (tháng 6 đến tháng 7) ước khoảng 420 - 1.770 MW, gần bằng 1/3 lượng điện thiếu hụt ước tính nửa đầu năm 2023.
Quy hoạch điện VIII và khắc phục tình trạng thiếu điện là động lực cho lĩnh vực xây lắp điện
Trong bối cảnh khả năng thiếu điện vẫn được dự báo xảy ra, mạng lưới, hệ thống truyền tải sẽ được ưu tiên phát triển thời gian tới. Ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 134,7 tỷ USD, trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 119,8 tỷ USD (trung bình 12.0 tỷ USD/năm), lưới điện truyền tải khoảng 15 tỷ USD (trung bình 1.5 tỷ USD/năm. Do đó, nhóm phân tích TPS đánh giá tư vấn và xây lắp điện là lĩnh vực được hưởng lợi.
Trong khi khâu phát điện vẫn đang phải đối mặt với những rủi ro về huy động sản lượng, nhóm phân tích của MBS nhận thấy các doanh nghiệp xây lắp bao gồm xây lắp dự án truyền tải và xây dựng nhà máy điện có triển vọng chắc chắn hơn từ năm 2024.
Hoạt động xây lắp các dự án truyền tải đang là trọng tâm trong bối cảnh hệ thống điện chưa đáp ứng được tỷ trọng công suất cao NLTT và nhu cầu cấp bách truyền tải từ Nam ra Bắc với dự án trọng điện đường dây 500kV mạch 3. Ngoài ra, phát triển nguồn điện sẽ là điểm tựa cho tăng trưởng kinh tế, đặc biệt với ý chí quyết tâm của chính phủ tập trung phát triển NLTT để tiến tới phát thải ròng bằng “0” từ 2050.
MBS đánh giá động lực để thực hiện hóa hai nhiệm vụ quan trọng trên đến từ tình hình tài chính của EVN đang dần được cải thiện, hỗ trợ đẩy mạnh dòng tiền đầu tư các dự án truyền tải của doanh nghiệp này, đặc biệt khi khối lượng công việc cho xây lắp đường dây, trạm biến áp khá cao từ nay đến 2030 theo Quy hoạch điện VIII.
Thứ hai, tham vọng phát triển nhanh công suất điện gió và điện khí từ nay đến 2030 đang được hiện thực hóa khi khung giá cho NLTT đã được ban hành từ tháng 11/2023. Đây sẽ là cơ sở để các chủ đầu tư có thể khởi động một chu kỳ phát triển NLTT mới từ 2024, sau khi chững lại do vướng mắc chính sách.
Theo Công ty Tư vấn và Quản lý gia sản FIDT, Quy hoạch điện VIII đã xác định điện là ngành hạ tầng quan trọng, phát triển điện lực phải đi trước một bước để tạo nền tảng thúc đẩy cơ sở hạ tầng phát triển nhanh, bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh năng lượng quốc gia.
Hiện nay Chính phủ đang tập trung đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế để phát triển nhanh ngành điện, giải ngân nhanh chóng các gói đầu tư công về xây lắp điện. Vì vậy, đây sẽ là cơ hội đối với các doanh nghiệp ngành điện và xây lắp điện thời gian tới, kể đến gồm Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC2, mã: TV2), Tập Đoàn PC1 (Mã: PC1) và Viettel Construction (Mã: CTR).
Ngành năng lượng, với sự chú ý tập trung vào nhóm xây lắp điện, là 1 trong 3 ngành mà FinPeace quan tâm cho ý tưởng đầu tư năm 2024, cùng với thép và khí đốt.
Báo cáo chiến lược đầu tư 2024 của FinPeace chỉ ra hiện tượng El-Nino được dự báo sẽ còn quay trở lại trong mua hè 2024 và 2025 dẫn đến yêu cầu bắt buộc phải tìm giải pháp khắc phục không để tình trạng thiếu điện như 2023 tái diễn.
Giải pháp là đẩy mạnh xây dựng hệ thống tải điện Bắc Nam, đảm bảo điều tiết hiệu quả sản lượng điện. Trong đó, đường dây 500 kV chiều dài 514 km giúp nâng công suất truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc gấp 2 lần, từ 2.200 MW lên 5.000 MW. Tổng mức đầu tư đạt 23.000 tỷ đồng, thời gian hoàn thành dự kiến đến tháng 6/2024. T
heo FinPeace, dự án có thể giúp nhóm doanh nghiệp xây lắp điện gấp đôi khối lượng công việc và tạo ra đột phá trong kết quả kinh doanh.
Doanh nghiệp xây lắp điện đang kinh doanh ra sao?
Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây lắp, tư vấn điện trên sàn chứng khoán điển hình gồm PC1, PECC2, Viettel Constructions. Kết quả kinh doanh 3 năm gần nhất của ba công ty có sự phân hóa. Lợi nhuận 9 tháng của PC1 và PECC2 có xu hướng giảm, ngược lại Viettel Constructions ghi nhận tăng trưởng.
9 tháng đầu năm 2023, PC1 giảm đến 75% lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ so với cùng kỳ năm trước về 66 tỷ đồng. Nguyên do là thủy điện chịu ảnh hưởng hiện tượng El-Nino, doanh thu xây lắp giảm, chi phí lãi vay tăng. Ngoài ra, một nhà máy tuyển quặng đi vào vận hành trong kỳ, dẫn đến hết thời gian vốn hóa lãi vay, cùng là nguyên nhân khiến chi phí lãu vay tăng.
Lãi sau thuế 9 tháng đầu 2023 của PECCE ghi nhận 40 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ. Doanh thu và biên lợi nhuận gộp đều đi lùi đáng kể, song kết quả không quá thay đổi so với cùng nhờ công ty tiết giảm chi phí quản lý. Các kết quả này đều chỉ bằng khoảng 1/5 con số đạt được vào cùng kỳ 2021 (trên 200 tỷ đồng).