Ngày 21/4, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM đã ký văn bản ban hành kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) theo chuyên đề: "Sữa chế biến, sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt...".
Mục đích của việc kiểm tra lần này là nhằm đánh giá thực trạng việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP, hạn chế, ngăn ngừa các sự cố về ATTP.
Bên cạnh đó, thông qua hoạt động kiểm tra, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những bất cập, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về ATTP, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm ATTP.
Trong lần tổ chức kiểm tra này, cơ quan chức năng tập trung vào các sản phẩm/nhóm sản phẩm và các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa chế biến, sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt...

Cơ quan chức năng ở TPHCM trong một lần đi kiểm tra an toàn thực phẩm (Ảnh: NT).
Về nội dung, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra hàng loạt các giấy tờ, như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt (GMP); Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.
Kiểm tra hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc hồ sơ tự công bố sản phẩm; Nhãn sản phẩm thực phẩm; Hồ sơ liên quan đến nhập khẩu thực phẩm đối với hàng nhập khẩu.
Cơ quan chức năng cũng kiểm tra kết quả kiểm nghiệm sản phẩm, kiểm nghiệm nước sử dụng trong sản xuất; Nguồn gốc, xuất xứ, hợp đồng mua bán, hóa đơn mua vào, chứng từ liên quan đến nguyên liệu, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, chất bảo quản thực phẩm.
Bên cạnh đó cũng tập trung kiểm tra tài liệu quảng cáo, hồ sơ xác nhận nội dung quảng cáo đối với những cơ sở có quảng cáo sản phẩm thực phẩm thuộc diện phải đăng ký nội dung quảng cáo; việc chấp hành các quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm.
Với nội dung hồ sơ quản lý chất lượng, ATTP đối với cơ sở, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra các Giấy chứng nhận như: Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về ATTP (BRC), Chứng nhận hệ thống ATTP (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.

Một sản phẩm trong đường dây sản xuất sữa giả bị cơ quan công an phát hiện thời gian gần đây (Ảnh: VTV).
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng kiểm tra điều kiện đảm bảo ATTP tại cơ sở, bao gồm: Điều kiện vệ sinh cơ sở; Điều kiện trang thiết bị, dụng cụ; Điều kiện về con người...
Trong quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra thực hiện lấy mẫu sản phẩm có dấu hiệu vi phạm về chất lượng, ATTP và gửi mẫu kiểm nghiệm thực phẩm đến cơ quan có thẩm quyền.
Việc lấy mẫu và chỉ định chỉ tiêu kiểm nghiệm do Trưởng đoàn kiểm tra quyết định, trên cơ sở căn cứ tình hình thực tế nguy cơ mất ATTP tại nơi được kiểm tra.
Giám đốc Sở ATTP TPHCM ban hành quyết định thành lập các Đoàn kiểm tra với thành phần gồm các cán bộ của Thanh tra Sở, Phòng Quản lý hành nghề, Phòng Quản lý tiêu chuẩn và Kiểm nghiệm, đại diện UBND TP Thủ Đức, các quận/huyện.
Trong trường hợp cần thiết, Đoàn kiểm tra có thể mời các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp. Thời gian kiểm tra sẽ diễn ra từ ngày 21/4 đến ngày 30/5.
Các đoàn kiểm tra khi phát hiện vi phạm phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật.