Nguồn vật liệu cho cao tốc ĐBSCL được giải quyết
Ngày 21.4, tại TP.Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về tình hình triển khai các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam.
Cùng tham dự có Phó thủ tướng Trần Hồng Hà; lãnh đạo một số bộ, ngành, TP.HCM, cùng các tỉnh thành ĐBSCL và Bình Dương, Đồng Nai.

Thủ tướng Phạm Minh Chính (giữa) cùng Phó thủ tướng Trần Hồng Hà (trái) và Bí thư Thành ủy Cần Thơ Đỗ Thanh Bình dự hội nghị về các dự án giao thông trọng điểm ở ĐBSCL
ẢNH: THANH DUY
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, ĐBSCL đang triển khai 8 dự án (DA) giao thông trọng điểm với 13 DA thành phần. Trong đó, 7 DA thành phần sẽ hoàn thành trong năm 2025 gồm: cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang; cao tốc Hậu Giang - Cà Mau; cao tốc Cao Lãnh - Lộ Tẻ; cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; đường Hồ Chí Minh (đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận); cầu Rạch Miễu 2; cao tốc Cao Lãnh - An Hữu. Hiện, các DA đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Về nguồn vật liệu, sau nhiều lần Thủ tướng, Phó thủ tướng Chính phủ trực tiếp kiểm tra, đôn đốc thì tiến độ cấp phép cát, đá cung cấp cho các DA đã đạt được kết quả tích cực. Đến nay. các địa phương đã cấp phép khai thác 54,53 triệu m3 cát so với nhu cầu 57,53 triệu m3. Đồng thời, đang tiếp tục thực hiện thủ tục cấp phép 13,9 triệu m3 để đáp ứng công suất theo tiến độ, nâng tổng trữ lượng lên 68,43/nhu cầu 57,43 triệu m3.

Nút giao cầu vượt Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (H.Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ), cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng
ẢNH: THANH DUY
Trong khi đó, tổng nhu cầu đá cho các DA là 9,34 triệu m3, trong đó các DA có kế hoạch hoàn thành năm 2025 là 3,33 triệu m3. Hiện, các địa phương đã khai thác, đưa vật liệu về công trường khối lượng 1,69 triệu m3 (các DA hoàn thành năm 2025 là 1,11 triệu m3). Nguồn đá cho các DS hoàn thành năm nay cơ bản được đảm bảo.
Để kịp tiến độ, các chủ đầu tư đã xây dựng kế hoạch chi tiết và quyết liệt chỉ đạo nhà thầu triển khai thực hiện. Tuy nhiên, một số DA còn đang chậm tiến độ, như: cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Cà Mau; cao tốc Cao Lãnh - An Hữu; cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; đường Hồ Chí Minh. Nguyên nhân là thời gian đầu thiếu hụt nguồn vật liệu đắp, một số nhà thầu còn chậm trong công tác tổ chức thi công.
Công suất khai thác chưa đáp ứng tiến độ
Mặc dù trữ lượng các mỏ vật liệu đảm bảo nhưng công suất khai thác, cung ứng vật liệu chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ thi công của một số DA. Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đề nghị các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Sóc Trăng cần khẩn trương hoàn thành thủ tục cấp phép khai thác mỏ cho DA cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ- Sóc Trăng.
Tỉnh Đồng Tháp có kế hoạch thủ tục cấp phép 3,9 triệu m3 cát cho DA cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (dự kiến khởi công tháng 6.2025). Trong khi đó, An Giang tiếp tục ưu tiên nguồn đá từ mỏ Antraco để cung ứng cho các DA trọng điểm trong vùng.
Theo ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận, các DA do ban quản lý ở ĐBSCL đã không còn khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu. Trên cơ sở đó, ông Thi đề nghị những DA đã hoàn thành hoặc thừa khối lượng thì các chủ đầu tư cần khẩn trương báo cáo lên UBND các tỉnh để chuyển sang cho DA khác. Như vậy sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian thay vì làm thủ tục lại từ đầu.

Đại tá Lê Xuân Long,Phó tư lệnh Binh đoàn 12, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, chia sẻ tại hội nghị
ẢNH: THANH DUY
Trong khi đó, đại tá Lê Xuân Long, Phó tư lệnh Binh đoàn 12, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, cho biết DA Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có 4 DA thành phần, tương ứng 4 tỉnh, 4 ban quản lý. Thực tế, 4 DA thành phần chưa có sự thống nhất trong việc đổi mới, sáng tạo trong thi công nền đất yếu.
"Để đẩy nhanh tiến độ thi công, cần thay đổi toàn bộ kết cấu áo đường, từ gia cố cấp phối xi măng sang gia cố cấp phối đá dăm. Điều này tiết kiệm được vật liệu gia tải cát. Bởi với sự vào cuộc quyết liệt của An Giang, Đồng Nai, Bình Dương, vật liệu đá bây giờ không còn thiếu nữa, không lo nữa", ông Long đề xuất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thần tốc phát triển hạ tầng chiến lược cho ĐBSCL
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, đến thời điểm này, có thể nói các DA giao thông trọng điểm ở ĐBSCL đã đạt mục tiêu đề ra. Cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng theo Nghị quyết Quốc hội giao xong năm 2027, nhưng lộ trình hoàn thành vào tháng 6.2026. Trong khi đó, cao tốc trục dọc Cần Thơ - Cà Mau dự kiến đến ngày 19.12.2025 là hoàn thành (trước đó là 31.12.2025).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo tại hội nghị
ẢNH: THANH DUY
Theo Thủ tướng, kết quả trên rất đáng trân trọng, vì khởi đầu rất khó khăn và phương pháp làm cũng hết sức đặc biệt. Đó là vừa chạy vừa xếp hàng, vừa làm vừa hoàn chỉnh, mở rộng dần. Nhưng với tinh thần tự lực tự cường, cả hệ thống chính trị vào cuộc, khó khăn về nguồn vật liệu cơ bản đã được xác định. Tới đây, vấn đề chuyển tiếp các mỏ đang khai thác, xử lý cát đá thừa giữa các DA, đổi mới sáng tạo trong gia tải, Bộ NN-MT và Bộ Xây dựng có nhiệm vụ hướng dẫn giải quyết.
Theo Thủ tướng, với kinh nghiệm đã tích lũy, thời gian tới phải làm mạnh mẽ, thần tốc hơn nữa việc triển khai phát triển chiến lược hạ tầng cho vùng ĐBSCL. Không chỉ hạ tầng đường bộ mà còn hạ tầng thủy lợi, hạ tầng y tế, hạ tầng giáo dục, hạ tầng văn hóa, hạ tầng thể thao..
Bên cạnh đó, ĐBSCL còn phải phát triển các loại hình giao thông khác. Trước mắt, về đường hàng không, Kiên Giang và Cà Mau phải chủ động mở rộng sân bay Phú Quốc, Cà Mau, Rạch Giá. Về cảng biển, cần rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của cảng Trần Đề để khai thác quả hơn. Với hệ thống cảng thủy nội địa, các địa phương phải chủ động phát triển nhanh, không trông chờ, ỷ lại vào T.Ư.
Với đường sắt, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tuyến từ TP.HCM đến TP.Cần Thơ sẽ cố gắng khởi công vào năm 2027. Sau đó, tuyến Cần Thơ đến Cà Mau sẽ nỗ lực khởi công vào ngay năm sau bằng các phương thức khác nhau.