Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp về việc triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đánh giá việc xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng phù hợp với quy hoạch và cần được triển khai sớm.
Về hình thức đầu tư, UBND các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình đã đề nghị đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng theo hình thức đầu tư công trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn chế, các nguồn vốn nhà nước cơ bản đã phân bổ hết, nên việc chuyển đổi sang hình thức đầu tư công là không khả thi.
Vì vậy, Thủ tướng thống nhất tiếp tục nghiên cứu đầu tư đoạn tuyến cao tốc này theo phương thức đối tác công tư, hình thức hợp đồng BOT do nhà đầu tư đề xuất, cần rà soát triển khai chặt chẽ, theo đúng quy định.
Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc giao UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với Dự án BOT. Các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường rà soát thủ tục, hướng dẫn UBND tỉnh Thái Bình chuẩn bị triển khai, trình phê duyệt đầu tư Dự án BOT bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định pháp luật.
Cao tốc ven biển Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng được dự kiến có tổng mức đầu tư là 19.080 tỷ đồng. Dự án được đề xuất đầu tư theo hình thức PPP từ năm 2017 và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương.
Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí cho dự án cũng như việc triển khai đầu tư theo hình thức PPP là khó khả thi nên đến nay công trình vẫn chưa được triển khai.
Đến tháng 2/2022, UBND tỉnh Nam Định đã có kiến nghị Chính phủ chuyển đổi hình thức đầu tư dự án sang đầu tư công 100%, sử dụng nguồn vốn từ Chương trình và ngân sách Trung ương.
Trong danh mục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thuộc Chương trình, số vốn bố trí cho cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng giai đoạn 2022-2023 là 1.100 tỷ đồng (khoảng 5% khối lượng công trình). UBND tỉnh Nam Định đề xuất Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét bổ sung vốn để hoàn thành cho toàn tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng.
Giai đoạn 2022-2023, dự kiến nhu cầu vốn là 10.000 tỷ đồng để phục vụ khảo sát, tư vấn thiết kế, bồi thường giải phóng mặt bằng, ứng vốn thi công cho nhà thầu… 9.080 tỷ đồng còn lại được bố trí vào năm 2024. Tuy nhiên, đề xuất này chính thức bị bác bỏ.