Tại một cuộc tiếp xúc báo chí gần đây, một lãnh đạo của khối "Big 4" ngân hàng cho biết, tăng trưởng tín dụng qua nửa đầu năm nhìn chung đã đạt cao trong khi tăng trưởng huy động lại rất thấp.
"Hiện các ngân hàng thương mại lớn vẫn cân đối được, cố gắng giữ ổn định mặt bằng chung, nhưng nếu trong "Big 4" tăng thì sẽ có tác động lớn tới thị trường", vị lãnh đạo ngân hàng trên nói, khi mà thị phần của nhóm này chiếm phần lớn trong hệ thống.
Lãi suất huy động tiếp tục "nóng"
Bước sang tháng 7, mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục có thay đổi đáng kể khi hàng loạt ngân hàng thương mại (NHTM) tăng mạnh lãi suất huy động, các "ông lớn" cũng đã không thể tiếp tục nằm ngoài "cuộc đua".
Ngân hàng Agribank mới đây đã có điều chỉnh tăng lãi suất huy động tại các kỳ hạn dài. Theo đó, trường hợp khách hàng gửi tiền tại các kỳ dài từ 12 tháng đến 24 tháng sẽ được Agribank cộng thêm 0,1 điểm % lãi suất cho mỗi kỳ hạn lên hưởng cùng mức là 5,6%/năm. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất dành cho phân khúc khách hàng cá nhân trong tháng 7 này.
Tương tự, BIDV cũng mới thông báo thay đổi biểu lãi suất mới theo hướng tăng thêm 0,1 điểm % lên mức 5,6%/năm, áp dụng cho các khoản tiền gửi từ 12 – 36 tháng.
Trong khi đó, tại khối NHTMCP, lãi suất kỳ hạn dài tại một số thành viên thậm chí đã được đẩy lên trên 7,5%/năm, đặc biệt là ở nhóm các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ.
Hiện, SCB đang là một trong những ngân hàng có mức chào lãi suất tiết kiệm hấp dẫn nhất hệ thống khi lãi suất dao động từ 7,3% đến 7,55% ứng với các kỳ hạn 12-36 tháng.
Ngoài ra, ngân hàng này còn có mức lãi suất lên tới 7,6% nhưng chỉ áp dụng với món tiền gửi có số dư từ 500 tỷ đồng trở lên ở kỳ hạn 13 tháng.
Ngân hàng CBBank cũng vừa thông báo tăng lãi suất từ 0,2 -0,3 điểm% tùy từng kỳ hạn, bắt đầu từ tháng 7 này. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn từ 7 tháng đến 11 tháng tăng thêm 0,3 điểm %, từ 6,6% lên 6,9%.
Đối với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tiền gửi tăng thêm 0,2 điểm% từ 6,95%/năm lên 7,15%/năm, còn đối với kỳ hạn 13 tháng trở lên lãi suất áp dụng là 7,2%, tăng 0,2 điểm % so với trước đó.
Tại NamABank, mức lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 12-15 tháng là 7,2%/năm, kỳ hạn 16-36 tháng là 7,4%/năm.
Trong khi đó, ở kỳ hạn ngắn 1 -3 tháng, mức lãi suất chào đã được đẩy lên kịch trần là 4%/năm tại một loạt các thành viên như SCB, NamABank, Kienlongbank, VietABank, PVCombank, GPBank, Sacombank,…
Áp lực gia tăng….
Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho biết, đến thời điểm 20/6, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đã đạt 8,51%, cao hơn nhiều so với con số cùng kỳ năm trước là 5,47%. Điều này cho thấy nhu cầu tín dụng tăng mạnh nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh quay trở lại sau đại dịch.
Tuy nhiên, tới cùng thời điểm trên, huy động vốn của các tổ chức tín dụng mới chỉ tăng 3,97%, chưa bằng một nửa so với tốc độ tăng trưởng tín dụng.
Lượng hóa con số tăng trưởng trên, trong 6 tháng đầu năm, lượng tín dụng bơm mới vào thị trường đạt hơn 888 nghìn tỷ đồng, trong khi đó chỉ có 434 nghìn tỷ được huy động thêm từ dân cư và các tổ chức kinh tế. Điều này rõ ràng tạo áp lực đáng kể lên mặt bằng lãi suất huy động trong thời gian qua.
Theo ông Phạm Chí Quang, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhu cầu tăng trưởng tín dụng đang vượt xa so với khả năng cân đối vốn của các nhà băng. Với tốc độ tăng như thế, áp lực lạm phát là rất lớn, dẫn đến vòng xoáy lãi suất huy động tăng.
Về ngắn hạn, các chuyên gia phân tích tại VNDirect trong một báo cáo mới phát hành cho rằng, đà tăng lãi suất huy động sẽ chậm lại trong quý 3/2022 vì nhu cầu huy động vốn thấp do nhiều ngân hàng đã tạm hết dư địa để tăng trưởng tín dụng.
Tuy nhiên, đà tăng của lãi suất huy động có thể tăng tốc trở lại trong quý 4 sau khi NHNN nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại.
Nhìn chung, các chuyên gia đánh giá, lãi suất huy động sẽ chịu áp lực tăng trong năm nay khi tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn phục hồi kinh tế trong khi các ngân hàng phải cạnh tranh gay gắt với các kênh đầu tư hấp dẫn như bất động sản và chứng khoán. Ngoài ra, áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tiếp theo cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng gây áp lực lên lãi suất tiền gửi.
Theo đó, chuyên gia dự báo lãi suất tiền gửi sẽ tăng thêm khoảng 0,3- 0,5 điểm % trong năm 2022, trong đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại các NHTM sẽ tăng lên mức 5,9-6,1%/năm vào cuối năm nay.
Còn theo các chuyên gia tại SSI Research, trong nửa cuối năm 2022, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, và trong điều kiện phù hợp sẽ thông qua việc nới trần tín dụng cho các NHTM. Tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 ước tính đạt 15-16%, và mức tăng trưởng này là tăng trưởng danh nghĩa, thường có xu hướng cao hơn bình thường trong bối cảnh lạm phát.
SSI Research cho rằng, áp lực tăng lãi suất huy động sẽ rơi về cuối năm, đặc biệt là khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm từ 37% về 34% sẽ có hiệu lực từ ngày 01/10.