Toàn cầu hóa có "tuyệt chủng"?
Cách đây 3 năm, tạp chí The Economist đã sử dụng cụm từ "slowbalisation" để miêu tả tình trạng mong manh của hoạt động thương mại quốc tế. Sau khi bùng nổ suốt những năm 1990 và 2000, tốc độ toàn cầu hóa đã chậm lại đáng kể trong những năm 2010 trong bối cảnh các doanh nghiệp phải đương đầu với nhiều cú sốc từ hậu khủng hoảng tài chính, chủ nghĩa dân túy dâng cao đến chiến tranh thương mại.
Dòng chảy hàng hóa và vốn bị tắc nghẽn. Nhiều chủ doanh nghiệp phải trì hoãn những quyết định lớn khi xem xét đầu tư ra nước ngoài. Quy trình sản xuất just-in-time với mọi chi tiết đều được tính toán kỹ lưỡng để không có phần nào bị thừa ra trên chuỗi cung ứng đã bị thay thế bằng wait-and-see (chờ đợi và xem xét). Thậm chí có nhiều người cho rằng toàn cầu hóa sẽ "tuyệt chủng".
3 năm sau, Economist khẳng định toàn cầu hóa đang bước sang một trang mới. Đại dịch Covid-19 và xung đột ở Ukraine đã kích hoạt một cuộc thảo luận sôi nổi về chuỗi cung ứng toàn cầu trong cả giới kinh doanh lẫn các chính phủ.
Dù nhìn vào bất kỳ điểm nào thì bạn cũng sẽ thấy chuỗi cung ứng đang biến đổi mạnh mẽ, từ núi hàng tồn kho có giá trị lên tới 9.000 tỷ USD (mà các doanh nghiệp tích trữ để phòng vệ trước dịch bệnh và lạm phát) cho tới cuộc chiến giành giật nhân công trong bối cảnh các tập đoàn đa quốc gia dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Ở dạng thức mới của toàn cầu hóa, vấn đề được quan tâm hàng đầu là sự an toàn và chắc chắn chứ không phải tính hiệu quả như phiên bản trước đây. Ưu tiên hàng đầu là hãy làm ăn với những người mà bạn có thể tin tưởng, ở những nước mà đất nước của bạn có quan hệ ngoại giao tốt đẹp.
Toàn cầu hóa phiên bản mới giống như một con dao hai lưỡi. Một mặt, có thể dẫn đến chủ nghĩa bảo hộ, chính phủ lớn (tình trạng chính phủ hoặc khu vực công tham gia quá mức vào khu vực tư nhân) và lạm phát cao hơn nữa. Tuy nhiên nếu như các doanh nghiệp và giới chính trị gia thích nghi tốt với phiên bản này, kinh tế thế giới sẽ được hưởng lợi.
An toàn thay vì hiệu quả
Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, "kim chỉ nam" của toàn cầu hóa là tính hiệu quả. Các công ty sẽ đặt nhà máy ở nơi có chi phí thấp nhất, trong khi các nhà đầu tư đổ tiền vào nơi mang lại lợi suất cao nhất. Chính phủ các nước đối xử với các doanh nghiệp rất công bằng bất kể "quốc tịch" của họ.
Suốt 2 thập kỷ sau đó, nguyên tắc này tạo ra những chuỗi giá trị phức tạp đóng góp tới một nửa kim ngạch thương mại toàn cầu. Điện thoại và xe hơi của bạn được lắp ráp từ vô số linh kiện được sản xuất tại nhiều nơi trên khắp thế giới. Toàn cầu hóa mang đến mức giá thấp cho người tiêu dùng và giúp 1 tỷ người thoát khỏi tình trạng nghèo cùng cực khi mà các nền kinh tế mới nổi (trong đó có Trung Quốc) được công nghiệp hóa.
Tuy nhiên toàn cầu hóa phiên bản cũ cũng bộc lộ nhiều mặt trái. Khi dòng vốn quá tự do, thị trường tài chính cũng rung lắc theo những biến động khó lườn của dòng vốn. Nhiều người lao động trình độ thấp ở các nước phát triển bị mất việc làm.
Các chuỗi cung ứng tỏ ra không thực sự hiệu quả và chắc chắn như trước đây. Đúng là chúng giúp giảm đáng kể chi phí, nhưng một khi chuỗi cung ứng bị bẻ gẫy vì những sự kiện đột ngột như dịch bệnh hay các sự kiện địa chính trị, chi phí sẽ lập tức tăng vọt. Theo thống kê, những "nút thắt cổ chai" trên chuỗi cung ứng hiện nay làm GDP toàn cầu sụt giảm ít nhất 1%.
Không chỉ người tiêu dùng bị tác động mà cổ đông của các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Tình trạng thiếu chip khiến nhiều nhà máy ô tô phải tạm thời đóng một phần dây chuyền sản xuất, và dòng tiền mặt của các công ty ô tô đã giảm tới 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Tim Cook, vị CEO được mệnh danh là "bậc thầy chuỗi cung ứng", thừa nhận các rắc rối về chuỗi cung ứng có thể khiến doanh thu quý II của Apple sụt giảm tới 8 tỷ USD (tương đương 10%).
Covid-19 là 1 cú sốc bất ngờ và hiếm gặp, nhưng chiến tranh hay thời tiết cực đoan, thậm chí 1 loại virus khác cũng có thể dễ dàng làm gián đoạn chuỗi cung ứng trong thập kỷ tới.
Chuỗi cung ứng còn bị ảnh hưởng từ sự xung đột giữa phương Tây và các nước như Nga và Trung Quốc. Xung đột ở Ukraine đã bộc lộ châu Âu phụ thuộc nặng nề như thế nào vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga. Từ giữa tháng 6, cửa hàng McDonald’s đầu tiên ở Moscow (khai trương từ năm 1990) mở cửa trở lại nhưng lại dưới quyền sở hữu mới, hoàn toàn thuộc về người Nga. Chiếc bánh kẹp nổi tiếng Big Macs không còn trên thực đơn.
Trong khi đó dấu ấn của Trung Quốc trên bản đồ thương mại quốc tế còn lớn gấp 7 lần Nga. Thế giới phụ thuộc vào Trung Quốc trên hầu như tất cả các mặt hàng, từ đồ dùng hàng ngày cho đến các hoạt chất sử dụng trong ngành dược phẩm và lithium sử dụng trong những viên pin.
Doanh nghiệp vội vã đổi chiến lược
Một chỉ báo cho thấy các công ty đang thay đổi mục tiêu từ tính hiệu quả sang tính bền vững là lượng hàng tồn kho. Nhiều doanh nghiệp đang chuyển sang chiến lược "nguồn cung kép" (dual sourcing) và ký những hợp đồng dài hạn hơn. Xu hướng đầu tư đa quốc gia đã bị đảo ngược hoàn toàn: 69% tổng vốn đầu tư trên toàn cầu là các công ty con tái đầu tư ngay tại nước sở tại chứ không phải là công ty mẹ đầu tư vốn ra nước ngoài. Thực trạng này giống như những năm 1930, khi các công ty đa quốc gia đáp lại chủ nghĩa dân tộc bằng cách để các chi nhánh ở nước ngoài "tự cung tự cấp".
Được hậu thuẫn bởi chính phủ các nước từ châu Âu đến Ấn Độ, các ngành phải chịu nhiều áp lực nhất đang bắt đầu vẽ lại mô hình kinh doanh của mình. Ngành ô tô sao chép Tesla của Elon Musk, chuyển sang mô hình tích hợp theo chiều dọc, tức kiểm soát mọi khâu từ khai thác nickel đến thiết kế chip để có thể hoàn toàn kiểm soát chuỗi cung ứng. Để đáp ứng yêu cầu của những khách hàng như Apple, các công ty lắp ráp đồ điện tử ở đảo Đài Loan đã giảm tỷ trọng tài sản ở Trung Quốc từ mức 50% của năm 2017 xuống còn 35%.
Trong lĩnh vực năng lượng, phương Tây đang tìm kiếm những nguồn cung dài hạn từ các nước đồng minh thay vì phụ thuộc vào các thị trường giao ngay vốn bị thống trị bởi các đối thủ. Ngoài ra năng lượng tái tạo cũng khiến thị trường năng lượng mang tính cục bộ nhiều hơn so với giai đoạn trước.
Điều nguy hiểm ở đây là việc theo đuổi sự an toàn có thể kéo theo chủ nghĩa bảo hộ và chính sách trợ cấp ngành. Trong ngắn hạn, điều này khiến thị trường biến động và phân mảnh mạnh hơn nữa, cuối cùng dẫn đến giá cả càng bị đẩy lên cao. Còn về dài hạn, điều này gây ra những hệ lụy khủng khiếp khi chi phí vận hành cũng như chi phí tài chính của các doanh nghiệp bị đội lên nhiều lần.
Các chính phủ và doanh nghiệp cần phải nhớ rằng đa dạng hóa chứ không phải co cụm ở quê nhà sẽ mang lại sức mạnh. Còn với tư cách là 1 người tiêu dùng các sản phẩm và cả những ý tưởng đặc sệt tính toàn cầu hóa, hay nói cách khác là 1 công dân toàn cầu, hãy hi vọng rằng toàn cầu hóa phiên bản mới sẽ có mức độ cởi mở ở cấp cao nhất. Cân bằng giữa tính hiệu quả và tính an toàn là 1 mục tiêu hợp lý, nhưng chủ nghĩa bảo hộ và trợ cấp ngành, tự cung tự cấp lại là điều tồi tệ mà thế giới nên tránh.
Tham khảo The Economist