May mặc, da giày thưởng Tết cao
Người lao động ở doanh nghiệp quy mô lớn được thưởng Tết Nguyên đán cao hơn so với năm ngoái (Ảnh minh họa)
Dù gặp nhiều khó khăn, nhất là thời điểm cuối năm đơn hàng sụt giảm mạnh, tuy nhiên mức thưởng Tết của ngành dệt may, da giày năm nay vẫn có sự tăng trưởng so với năm trước.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, tiền lương bình quân 11 tháng đầu năm của ngành tăng khoảng 5 - 7%. Dự kiến, năm nay, mức thưởng Tết tăng khoảng 5 - 10% so với năm ngoái. Công nhân ít nhất cũng được thưởng 1 tháng lương. Chẳng hạn, Tổng công ty May Hưng Yên thông báo thưởng Tết cho người lao động bằng 2 tháng thu nhập trung bình, tăng 10% so với mức năm ngoái.
Tương tự, ông Nguyễn Tiến Hậu, Giám đốc điều hành, kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Dệt May Huế cho biết, ngoài thưởng tháng lương thứ 13, năm nay công ty còn thưởng thêm 1 tháng lương cho toàn bộ cán bộ nhân viên và người lao động.
Còn theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giầy – Túi xách Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành cam kết thưởng Tết năm nay tăng ít nhất khoảng 5 - 6% so với năm ngoái.
Các doanh nghiệp, hiệp hội đều bày tỏ, dù tình trạng sụt giảm đơn hàng gây khó khăn cho họ, nhưng kết quả chung cả năm vẫn đảm bảo kế hoạch, nhờ đó mức thưởng Tết được đảm bảo. Còn mức tăng so với năm ngoái là nhờ vào việc lương tối thiểu vùng cho người lao động tăng từ ngày 1/7/2022.
Tổng hợp từ 54.202 doanh nghiệp ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, tương ứng với 4,38 triệu lao động (chiếm 16,2% tổng số lao động làm công hưởng lương trên cả nước), Bộ LĐ-TB&XH cho biết, thưởng Tết Âm lịch năm nay cao hơn năm ngoái 11% (bình quân là 6,86 triệu đồng/người).
Doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 15 - 20%
Không khả quan như các ngành có quy mô lớn như dệt may, da giày, mức thưởng Tết tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều giảm so với năm ngoái.
Bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết, những doanh nghiệp nhỏ và vừa bị sụt giảm về đơn hàng nên mức thưởng Tết năm nay giảm từ 15 - 20%.
“Từ tháng 6 trở đi, các công ty hạn chế tuyển dụng và không có nhiều việc làm mới vào cuối năm, một số người lao động sẽ không có tiền thưởng Tết.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, năm nay Tết Dương lịch và Tết Âm lịch gần nhau nên các doanh nghiệp tập trung chủ yếu vào thưởng Tết Âm lịch, dẫn đến tiền thưởng Tết Âm lịch cao hơn, còn thưởng Tết Dương lịch giảm, bằng 91% so với năm ngoái (bình quân là 1,24 triệu đồng/người). Ngoài mặt bằng chung, ở một số vị trí, nhất là người quản lý cấp cao tại một số doanh nghiệp vẫn có mức thưởng cao. Cụ thế, mức thưởng cao nhất dịp Tết Âm lịch Quý Mão năm 2023 là 1,004 tỷ đồng tại doanh nghiệp dân doanh ở Đà Nẵng. Một số địa bàn có mức thưởng cao tập trung tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như: Tại Hà Nội là 400 triệu đồng; tại Bắc Ninh là 379,8 triệu đồng; tại Bà Rịa - Vũng Tàu là 535,71 triệu đồng; tại Đồng Nai là 307 triệu đồng, tại TP.HCM là 759,9 triệu đồng.
Đơn cử lĩnh vực bất động sản, chỉ một số doanh nghiệp lớn có thể có thưởng Tết, còn những doanh nghiệp nhỏ sẽ không thưởng, một phần vì gần như hoạt động kinh doanh “đóng băng”, phần khác vì người lao động phần lớn đã chuyển nghề…”, bà Hà nói.
Thống kê cho thấy, hiện có hơn 482.000 người lao động tại hơn 1.200 doanh nghiệp ở 44 tỉnh, thành bị giãn, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên, chấm dứt hợp đồng vì doanh nghiệp khó khăn.
Đây là tình trạng đáng lo, chưa từng xảy ra trước đây, bởi thời điểm cuối năm thường doanh nghiệp dồn dập tăng ca.
Đề xuất hỗ trợ bằng tiền mặt
Trước thực tế khó khăn của hàng trăm nghìn người lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, đang nghiên cứu và đề xuất hỗ trợ một lần cho người lao động bị chấm dứt hợp đồng chưa tìm kiếm được việc làm với mức 3 triệu đồng/người; hỗ trợ một lần cho người lao động thuộc diện tạm chấm dứt hợp đồng với mức khoảng 2 triệu đồng/người; những lao động bị cắt giảm việc làm nhưng có thu nhập thấp hơn mức lương tối thiểu vùng cũng sẽ được hỗ trợ.
Theo Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) Vũ Minh Tiến, quan trọng nhất hiện nay là làm sao để triển khai hỗ trợ đúng đối tượng và giảm các thủ tục hành chính.
“Đây cũng là vướng mắc đã được bộc lộ trong quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong hai năm vừa qua”, ông Tiến nói.
Đồng tình với đề xuất này, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Thị Lan Hương lưu ý “phải làm ngay, làm quyết liệt”.
Dự kiến, việc hoàn tất thủ tục hỗ trợ cho người lao động trước Tết Nguyên đán, ông Vũ Minh Tiến cho rằng, phải chia làm nhóm để hỗ trợ. Trước tiên, nhóm khó khăn nhất là nhóm bị mất việc làm. Ngoài việc hỗ trợ tiền mặt, biện pháp chủ yếu, cơ bản nhất vẫn là tìm cách kết nối thị trường lao động, kết nối nơi cần việc để giới thiệu việc làm.
Nhóm thứ hai là nghỉ việc tạm thời. Ngoài hỗ trợ tiền mặt theo đề xuất, các doanh nghiệp phải đối thoại, hỗ trợ cho người lao động hưởng các phần lương cơ bản và hỗ trợ thêm khi nghỉ việc tạm thời (nửa tháng, 1 tháng, 2 tháng).
Ngoài các đối tượng trên, bà Nguyễn Thị Lan Hương kiến nghị, thêm đối tượng hỗ trợ là người lao động nghèo. Lao động nghèo được xác định theo mức trần thu nhập và trên cơ sở mức sống chứ không phải trên cơ sở mất việc.
Cần quan tâm lao động ngoài khu vực chính thức
Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, đã gọi là trợ cấp trong hoàn cảnh không có việc làm hoặc thiếu việc, không chỉ giới hạn với người lao động ở khu vực chính thức.
Nếu hỗ trợ qua doanh nghiệp, số lao động được hỗ trợ không nhiều bởi chỉ có 35% người lao động ở trong khu vực chính thức, còn lao động ngoài khu vực chính thức lên đến 65%. Đây là những người không có bảo hiểm và nhiều người ở ngoài thị trường lao động hiện đang rất khó khăn.