Theo Reuters, hai nguồn tin am hiểu vấn đề hôm nay cho biết BOE Technology Group, hãng cung cấp màn hình cho Apple và Samsung, đang lên kế hoạch đầu tư ngân sách để thuê 100 hecta đất và xây dựng nhà máy tại Việt Nam trước năm 2025. Một nhà máy dự kiến có quy mô 20 hecta, trị giá 150 triệu USD, chuyên chế tạo các hệ thống điều khiển từ xa. Nhà máy thứ hai nằm trên diện tích 50 hecta với trị giá 250 triệu USD dành cho dây chuyền sản xuất màn hình OLED, trong khi 30 hecta còn lại dành cho các nhà cung ứng.
Kế hoạch này cho thấy những nỗ lực dẫn đầu bởi Apple và Foxconn nhằm giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng tại Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và thương mại Mỹ - Trung chưa hạ nhiệt và hoạt động sản xuất từng nhiều lần gián đoạn do các biện pháp kiểm soát Covid-19 của Bắc Kinh.
Theo khảo sát toàn cầu do nền tảng hậu cần Container xChange (Đức) thực hiện và công bố đầu tuần, các công ty trên khắp thế giới đang coi Việt Nam và Ấn Độ là hai trong những địa điểm thay thế hấp dẫn nhất trong mục tiêu đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ khỏi Trung Quốc 2023.
Cụ thể, Container xChange khảo sát hơn 2.600 chuyên gia trong ngành từ hơn 20 quốc gia về xu hướng ngành vận chuyển và chuỗi cung ứng cho năm 2023. Kết quả, 67% số người được hỏi tin Ấn Độ và Việt Nam sẽ "nổi lên là những trung tâm vận chuyển hoạt động tích cực" trong năm.
Khảo sát được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều biểu hiện cho thấy hai quốc gia châu Á này đang là lựa chọn ưu tiên cho các công ty muốn tìm cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và phân tán các rủi ro khi phải dựa vào một chuỗi cung ứng duy nhất.
Chẳng hạn với Apple, xuất khẩu iPhone từ thị trường Ấn Độ từ tháng 4 đến tháng 12/2022 đã tăng gấp đôi so với năm tài chính 2021. Trong khi đó, theo dữ liệu từ Hải quan Việt Nam, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục năm 2022 nhờ xuất khẩu điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác.
Thực tế, một số công ty công nghệ lớn của Mỹ cũng đã bắt đầu có bước chuyển dịch. Theo báo cáo từ Nikkei Asia, Dell đã quyết định ngừng sử dụng chất bán dẫn Trung Quốc sản xuất vào năm tới và có thể chuyển một nửa sản lượng ra khỏi nước này vào 2025.
Ngoài việc điều chỉnh chuỗi cung ứng, lạm phát và suy thoái kinh tế được 88% số người tham gia khảo sát coi là yếu tố cản trở lớn nhất đối với hoạt động kinh doanh của các công ty nước ngoài đang hoạt động ở Trung Quốc năm nay. Các yếu tố tiếp theo là chiến sự, Covid-19 và các cuộc đình công của công nhân.
"Châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề với lạm phát cao chưa từng có. Trung Quốc sẽ phải vật lộn để đối phó với Covid-19, còn Mỹ tiếp tục chứng kiến những thách thức về giao thông nội địa và tình trạng bất ổn lao động", Christian Roeloffs, nhà đồng sáng lập và CEO của Container xChange, dự đoán. "Hầu hết những thách thức này sẽ tiếp diễn vào năm 2023".
Trước đó, theo hai nhà phân tích Bai Shenghao và Ivan Lam của Counterpoint, Foxconn có kế hoạch chuyển từ 10% đến 30% công suất từ Trung Quốc sang các nước như Ấn Độ, Việt Nam và Brazil, trong khi đối thủ của họ là Pegatron cũng đang đầu tư vào các nhà máy tiên tiến và đào tạo nhân sự tại Ấn Độ.
"Chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu dần dịch chuyển ra bên ngoài Trung Quốc để tránh rủi ro của việc phụ thuộc vào một trung tâm sản xuất duy nhất", trích dẫn bài viết chung của Shenghao và Lam vào tháng 12 năm ngoái.
Hiện Trung Quốc vẫn thu hút việc xây dựng nhà máy ở quê nhà. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp nước này đang mở rộng sang Ấn Độ và Đông Nam Á, như công ty vi mạch Wingtech Technology và Shanghai Huaqin Communications Technology.
Vai trò Trung Quốc vẫn rất lớn
Dù các công ty rời Trung Quốc có thể làm suy yếu vai trò là công xưởng của thế giới và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của quốc gia này, một số chuyên gia tin quá trình sẽ diễn ra chậm chạp. "Ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng của Trung Quốc đã phát triển hơn bốn thập kỷ, thị trường rất lớn và lợi thế vẫn còn đó. Chúng tôi nghĩ phần lớn chuỗi sản xuất chưa đủ điều kiện kinh tế để di dời được ngay", một đại diện của công ty nghiên cứu thị trường Citic Securities nói với SCMP.
Cũng theo vị đại diện này, điểm yếu của các quốc gia khác là cơ sở hạ tầng kém chất lượng và nguồn cung công nhân lành nghề không đủ lớn. Điều này khiến việc thay thế vai trò công xưởng thế giới của Trung Quốc phải nhiều năm nữa mới thực hiện được.
Vị thế chuỗi cung ứng điện tử mà Trung Quốc có được là kết quả của nhiều yếu tố được xây dựng hàng chục năm, bao gồm quy mô thị trường rộng lớn, chính sách thuận lợi, hiệu quả chi phí, nguồn cung công nhân lành nghề ổn định và chuỗi ngành toàn diện. Theo giới chuyên gia, tất cả kết hợp để mang lại cho Trung Quốc "lợi thế vô song".
Theo Citic Securities, đã có hơn một tỷ smartphone đã được sản xuất tại Trung Quốc năm 2021, chiếm 70 đến 80% nguồn cung toàn cầu. Trong khi đó, Ấn Độ và Việt Nam chiếm 20% còn lại.