Chúng ta đều biết rằng hồ nước là nơi cung cấp sinh khối và là nơi sinh sống của nhiều động, thực vật và vi sinh vật. Sự thực là trên Trái đất có không ít hồ nước hoàn toàn không giống như vậy. Hồ Magadi nằm ở cực nam của Thung lũng Tách giãn Lớn ở Kenya , Châu Phi là một hồ nước có nhiều điểm rất kỳ lạ. Nước của hồ Magadi không chỉ có màu hồng đẹp mắt mà nó còn khiến các nhà khoa học quan tâm bởi sự đặc biệt của nó.
Hồ Magadi là một hồ nước đặc biệt nằm ở cực nam Thung lũng Tách giãn Lớn ở Kenya, Châu Phi. (Ảnh: Baidu)
Sự biến mất của hồ nước ngọt Magadi
Hồ Magadi có diện tích khoảng 100 km2, nằm trong lòng chảo nội lưu được hình thành bởi một địa hào (là một phần sụt lún hình máng của vỏ Trái đất, bị khống chế bởi 2 hoặc nhiều đứt gãy thuận và thuận song song). Theo các nhà khảo cổ , cách đây 35 triệu năm, trong thung lũng Great Rift đã xảy ra nhiều đợt núi lửa phun trào nên một số lượng lớn hồ nước ngọt được hình thành. Trong thời gian từ cuối thời kỳ Pleistocen đến giữa Holocen, hồ là nơi sinh sống của một quần thể đa dạng với các loài cá và thủy sinh vật. Bằng chứng về sự tồn tại của chúng đã được các nhà cổ sinh vật học tìm thấy trong lớp trầm tích còn sót lại của hồ. Khi loài người xuất hiện, những hồ nước này đã trở thành nơi sinh sống của dân địa phương.
Hồ Magadi có một màu hồng rất đẹp mắt. (Ảnh: Baidu)
Tuy nhiên, sau nhiều thế kỷ, chúng đã không còn như trước, nước bốc hơi chỉ còn lại các khoáng chất từ núi lửa là Natri (Na) và Kali cacbonat (K2CO3) nên chúng đã trở thành hồ nước mặn. Trong đó nổi tiếng nhất là 2 hồ Magadi và hồ Natron. Quanh hồ Magadi không có một bóng người, không chỉ động vật khan hiếm mà ngay cả thực vật và vi sinh vật cũng rất ít. Thậm chí, người dân địa phương đã cho rằng chúng bị ma quỷ nguyền rủa và gọi chúng là " hồ tử thần " hay "hồ quỷ".
Không những thế, sau khi nước hồ Magadi đổi sang màu hồng, khi nhìn vào mặt nước, người dân cho biết họ cảm thấy tim đập rất nhanh. Xung quanh hồ là một lớp viền màu trắng được tạo nên từ muối, cùng với nước hồ màu hồng, quang cảnh của hồ Magadi quả là hiếm thấy. Chính vì thế, các nhà khoa học đã quyết định làm rõ những "bí ẩn" của hồ Magadi.
Sự thật bất ngờ
Theo kết quả phân tích nước hồ, các nhà khoa học nhận ra rằng so với nước biển, nước hồ Magadi có thể chứa hơn 50.000 lần phân tử phốt phát chứa nguyên tử phốt pho. Các chuyên gia cho biết hồ Magadi thực chất là một "lòng chảo muối" có tính kiềm rất cao. Có những nơi, muối dày tới 40 m. Nước hồ đều là nước muối Natri cacbonat đậm đặc, một lượng lớn chất trona (hay còn gọi là sodium sesquicarbonate), nguyên liệu sản xuất bột soda ở trong nước ngọt hoặc bột natri cacbonat. Chính sự kết tủa này đã khiến cho nước hồ đổi thành màu hồng.
Theo các nhà khoa học, hồ Magadi thực chất là một "lòng chảo muối" có độ kiềm rất cao. (Ảnh: Baidu)
Độ mặn và tính kiềm của hồ Magadi là do các suối nước nóng mặn có nhiệt độ lên tới 86 độ C chảy vào. Hơn nữa, khu vực nơi hồ Magadi tọa lạc là một nơi khô cằn nên xung quanh nó càng có ít dòng chảy đổ vào. Trên bề mặt hồ Magadi, một lớp nước mặn mỏng với độ dày nhỏ hơn 1m đã che phủ một phần lớn. Tới mùa mưa, nước ngọt cũng không thể tích trữ bởi chúng bay hơi quá nhanh.
Nguyên nhân khiến người dân không dám ở gần hồ Magadi là do nước của hồ được kết nối với suối nước nóng mặn. Ban đầu, một số người dân địa phương do không biết đã xuống hồ tắm. Tuy nhiên, do độ kiềm trong hồ cao tới 9 đến 10,5 và nhiệt độ quá cao nên nước hồ đã khiến da họ bị mưng mủ, đốt cháy. Hóa ra, nước hồ có chất ăn mòn rất khủng khiếp, loại chất này gây nguy hiểm tới mức có thể cướp đi tính mạng của động vật hay người lỡ rơi xuống hồ.
Nơi ở của 2 loài sinh vật đặc biệt
Sau khi biết được nguyên nhân khiến cho người và động vật khó tồn tại ở hồ Magadi, trong một thời gian dài nó đã bị bỏ hoang. Tuy nhiên, dù hồ Magadi nguy hiểm như vậy, nhưng nó lại là "nhà" của chim hồng hạc , một số loại côn trùng và cá Alcolapia grahami, một loài cá thuộc họ Cá hoàng đế.
Hồ Magadi là nơi sinh sống của loài chim hồng hạc nổi tiếng. (Ảnh: Baidu)
Sở dĩ, chim hồng hạc tập trung ở hồ Magadi thay vì các hồ nước ngọt khác là bởi nơi này có loại thức ăn mà chúng ưa thích. Môi trường của hồ Magadi rất hoàn hảo với sự phát triển của vi khuẩn lam hay còn được gọi là tảo xoắn có tên khoa học là Arthrospira fusiformis. Loại tảo này thường sống ở những vùng nước có độ kiềm cao. Vì vậy, chim hồng hạc thường kéo tới hồ Magadi hàng năm để kiếm ăn và sinh sản. Không chỉ thức ăn, tảo xoắn còn chứa rất nhiều sắc tố quang hợp carotenoid. Chúng chính là yếu tố quan trọng tạo nên màu sắc đặc biệt của chim hồng hạc. Ngoài ra, do sự ăn mòn khủng khiếp của nước hồ Magadi đã biến nơi này thành chốn "an toàn" cho chim hồng hạc an toàn trước những kẻ săn mồi.
Không chỉ là "nhà" của chim hồng hạc, hồ Magadi còn tồn tại một loại cá đặc biệt là Alcolapia grahami. Chúng lựa chọn sống ở hồ Magadi bởi nguồn thức ăn chính là tảo xanh chỉ phát triển ở đáy hồ. Dưới sự khắc nghiệt của môi trường sống tại hồ Magadi, loài cá này đã tự thay đổi để cơ thể có thể chịu được độ kiềm và nhiệt độ cao. Chúng sống ở nơi có nhiệt độ ổn định là tầng nước giữa của hồ. Khi kiếm ăn, cá Alcolapia grahami sẽ bơi nhanh nhất có thể xuống đáy hồ để lấy tảo xanh rồi lập tức quay lại nơi nước lạnh. Để hoàn thành bữa ăn và không bị luộc chín dưới mức nhiệt 86 độ C, chúng phải lặp đi lặp lại hành động này rất nhiều lần.
Hồ Magadi cũng là "nhà" của loài cá đặc biệt tên là Alcolapia grahami. (Ảnh: Baidu)
Ngày nay, khi công nghệ ngày càng phát triển, các nhà khoa học nhận định rằng, Magadi là một trong số ít những nơi trên thế giới có thể tạo thành chất trona tự nhiên và đây cũng là nguồn cung cấp bột soda tự nhiên lớn nhất của châu Phi. Do đó, một số người bắt đầu nhận thấy cơ hội kiếm tiền từ hồ Magadi. Nhiều công ty bắt đầu đổ tiền đầu tư máy móc, kỹ thuật để thu thập trona tại hồ Magadi. Nguồn trona kiếm được sẽ được dùng để sản xuất nước ngọt, chế tạo thủy tinh, sản xuất giấy, nhuộm vải…
Gần đây, người dân địa phương còn quyết định biến hồ Magadi thành điểm du lịch . Chính quyền thành phố Magadi còn cho xây dựng nơi ở và các lều vải có điều hòa dành cho du khách viếng thăm nơi này. Du khách chỉ cần bỏ ra hơn 2 triệu VND là đã có thể tận hưởng một chuyến du lịch 2 ngày 1 đêm bên hồ Magadi. Kỳ thực, giá vé này không hề đắt đối với những du khách yêu thích khám phá những điểm du lịch đặc biệt như hồ Magadi.
*Bài viết được tổng hợp từ Amusing Planet, BMD Microbiology, Academic...